Cổ phiếu HVG của CTCP Hùng Vương của ông trùm cá tra một thời Dương Ngọc Minh lại bất ngờ tăng trần liên tiếp với lượng dư mua khủng, lên tới 920 ngàn đơn vị trong phiên giao dịch ngày 26/2. Tổng cộng tăng thêm gần 14% lên 5.680 đồng/cp. Đây là một cú bứt phá ngoạn mục trong bối cảnh ông trùm thủy sản một thời công bố những kế hoạch khá tươi sáng cho năm 2019 và một sự kỳ vọng lớn vào tương lai của doanh nghiệp Thủy sản Hùng Vương.
Những thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội cũng như những sự đánh giá cao của Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế về một môi trường ổn định cũng như cơ hội kinh doanh hấp dẫn tại Việt Nam cũng đã giúp thị trường chứng khoán nói chung và nhiều cổ phiếu tăng giá mạnh.
Theo kế hoạch Thủy sản Hùng Vương sẽ đạt doanh thu 4,4 ngàn tỷ đồng. HVG đặt kế hoạch lãi 100 tỷ đồng trong năm 2019, gấp hàng chục lần so với 2018, và bù đắp phần nào cho 2 năm lỗ liên tiếp trước đó. Trong năm 2016, HVG lỗ gần 50 tỷ đồng, trong khi 2017 lỗ hơn 700 tỷ.
Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh đặt kế hoạch lãi cao hơn nhiều 2018, dấu hiệu hồi phục. |
Tuy nhiên, điểm sáng nổi bật nhất nằm ở thông tin HVG thuộc diện được miễn thuế đối với mặt hàng cá tra - basa xuất sang Mỹ sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ POR14.
Nếu kết quả POR14 (được công bố vào tháng 4) cũng tốt đẹp như kết luận sơ bộ. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp thủy sản như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn… đẩy mạnh xuất khẩu vào Mỹ. Tham vọng doanh thu tỷ USD của ông Dương Ngọc Minh có thể sớm trở thành hiện thực.
Trước đó, Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh cũng đã có những năm bứt phá bùng nổ, và được xem là vua cá tra Việt. HVG từng ghi nhận doanh thu hơn 15 ngàn tỷ đồng trong năm 2014 và hơn 18 ngàn tỷ đồng trong năm 2016. Khả năng đạt mốc tỷ USD trong vài năm tới nếu như thị trường Mỹ (thị trường chính) gặp thuận lợi như mối quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa Mỹ và Việt Nam thời gian gần đây.
HVG của ông Dương Ngọc Minh từng một thời là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản. Tuy nhiên, tham vọng tỷ USD với hàng loạt vụ thâu tóm và mở rộng hoạt động sản xuất trong nước cũng như sang tận Nga… đã đẩy doanh nghiệp này cũng như các doanh nghiệp con vào tình trạng khó khăn, nợ nần chồng chất.
Sau một chuỗi ngày vung tiền ngàn tỷ vào hàng loạt các vụ thâu tóm trong ngành thủy sản, gần đây, HVG của ông Dương Ngọc Minh đã phải bán tài sản trả nợ. HVG thoái vốn và giải thể CTCP Địa ốc An Lạc, thanh lý hết các bất động sản hiện có thuộc Địa ốc An Lạc, bán Thủy sản Sao Ta cho Pan…
Trong năm 2018 vừa qua, HVG đã đẩy mạnh tái cấu trúc và thu được nhiều thành công. Các tin xấu về ông vua thủy sản một thời dường như đã ra hết. HVG đẩy mạnh thoái vốn thu tiền về và tập trung vào việc chế biến và xuất khẩu cá.
Mặc dù tăng mạnh nhưng giá cổ phiếu HVG hiện vẫn còn rất thấp. Túi tiền của ông Dương Ngọc Minh quy từ gần 90 triệu cổ phiếu HVG chỉ gần 500 tỷ đồng, trong khi đó bà Trương Thị Lệ Khanh (chủ tịch Thủy sản Vĩnh Hoàn VHC) có khối tài sản quy từ gần 40 triệu cổ phiếu trị giá hơn 3,7 ngàn tỷ đồng.
So với thời kỳ đỉnh cao, khối tài sản của ông Dương Ngọc Minh đã bốc hơi cả ngàn tỷ đồng.
Vĩnh Hoàn (VHC) của bà Trương Thị Lệ Khanh cũng là một doanh nghiệp hưởng lợi lớn từ thị trường Mỹ.
Theo báo cáo mới nhất, trong tháng 1/2019, Vĩnh Hoàn thu về 31,5 triệu USD từ xuất khẩu thủy sản, tăng 35% so cùng kỳ năm 2018. Không chỉ xuất sang Mỹ, VHC gần đây đẩy mạnh xuất khẩu cả sang Trung Quốc. Bên cạnh đó là thị trường EU với Hiệp định EVFTA có hiệu lực trong năm 2019.
Thủy sản Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh ghi nhận xuất khẩu kỷ lục trong tháng 1. |
Trong năm 2018 vừa qua, VHC của nữ hoàng thủy sản miền Tây là một trong 2 doanh nghiệp may mắn khi được đóng mức thuế suất theo thỏa thuận (Vĩnh Hoàn hưởng thuế suất 0%), trong khi các doanh nghiệp khác chịu mức thuế cao. Diễn biến tăng giá của USD so với VND thời gian qua cũng đã giúp Thủy sản Vĩnh Hoàn được hưởng mức chênh lệch tỷ giá khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.
Một số doanh nghiệp hàng không Việt cũng đang chờ đợi thị trường Mỹ. Các tỷ phú Việt như Nguyễn Thị Phương Thảo, Trịnh Văn Quyết hay hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã có kế hoạch mua thêm hàng trăm máy bay để mở rộng hoạt động trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp cũng chờ đợi cơ hội mở đường bay sang Mỹ - vốn đã mở rộng sau khi Mỹ hôm 14/2 công nhận Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không quốc tế.
Theo ông Quyết, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Thủ đô Hà Nội những ngày tới thu hút sự chú ý cao độ trên toàn thế giới và thực sự là một cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam tiếp tục cất cánh trong năm 2019.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), tiếp tục chứng kiến nhiều cổ phiếu tăng điểm. VN-Index hướng tới mốc 1.000 điểm. Nhiều mã cổ phiếu lớn tăng điểm như: Vietinbank, Masan, Hòa Phát, Thế Giới Di Động…
Ông Dương Ngọc Minh kỳ vọng vào thị trường Mỹ. |
Thị trường chứng khoán được dự báo hưởng lợi từ những diễn biến tích cực trên thế giới và từ cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều trong tuần này. Khối ngoại tiếp tục mua ròng.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn tích cực hơn trong các dự báo.
MBS cho rằng chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng trung bình 200 ngày, một ngưỡng kỹ thuật then chốt thường được theo dõi. Do vậy, về xu hướng rõ ràng thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn. Đà tăng điểm của chứng khoán Việt Nam trong 2 tháng đầu năm là bình thường, VN-Index có thể sớm lên vùng 1.024 – 1.034 điểm.
Ở chiều ngược lại, một số CTCK cho rằng rủi ro bắt đầu xuất hiện.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/2, VN-Index tăng 5,52 điểm lên 994,43 điểm; HNX-Index tăng 0,79 điểm lên 107,61 điểm. Upcom-Index tăng 0,03 điểm lên 55,59 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 270 triệu đơn vị, trị giá 5,9 ngàn tỷ đồng.
H. Tú