Trung Quốc dồn dập cải cách

Trung Quốc đồng loạt cải cách trong bối cảnh nền kinh tế nước này đối mặt với nguy cơ suy giảm tăng trưởng nghiêm trọng và đối đầu với nước Mỹ của ông Donald Trump trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại.

Với 8 cải cách, Trung Quốc đã cải thiện quy định trong hầu hết các lĩnh vực được đánh giá trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh và là nền kinh tế thực hiện nhiều cải cách nhất trong khu vực.

Bắc Kinh đã đơn giản hóa các yêu cầu đối với xây dựng cơ bản và thủ tục cấp thoát nước, đồng thời cắt giảm thời gian xử lý các thủ tục cấp phép thêm 44 ngày. Công tác xây dựng hiện nay được đảm bảo an toàn hơn nhờ thi hành chặt chẽ các quy định về giám sát kỹ thuật. Bên cạnh đó, quy trình kết nối lưới điện cho kho bãi cũng được cải thiện, biểu giá điện được minh bạch hóa. Trung Quốc cũng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường quốc tế thông qua triển khai cơ chế khai báo hàng hóa trước, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển, tối ưu hóa thủ tục hải quan và công khai biểu phí. 

{keywords}
 

Indonesia và Myanmar đã thực hiện 5 cải cách, đa phần đều liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Cụ thể, Indonesia bắt đầu áp dụng hệ thống nộp đơn và thanh toán trực tuyến đối với các loại thuế phổ biến và triển khai hệ thống quản lý hồ sơ điện tử cho thẩm phán. Các cơ quan chức năng cũng tăng cường xử lý trực tuyến tờ khai hải quan xuất khẩu, giảm thời gian hoàn thành thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu thêm 7 giờ.

Trong khi đó, Myanmar tăng cường kiểm soát chất lượng xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng nước sạch vệ sinh và tăng cường hiệu quả quy trình xin cấp phép xây dựng, đưa nước này lên vị trí thứ 46 về chỉ số cấp phép xây dựng. Ngoài ra, Myanmar cũng bắt đầu công bố các báo cáo đo lường hiệu suất để giảm tranh chấp hợp đồng và áp dụng đăng ký doanh nghiệp trực tuyến.

Với 3 lĩnh vực cải cách trong năm qua, Philippines tiếp tục giữ vững đà phát triển. Một trong số những cải cách đã được thực hiện là xóa bỏ yêu cầu vốn tối thiểu đối với các doanh nghiệp trong nước. Quốc gia này cũng đơn giản hóa quy trình cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.

Brunei, Lào, Papua New Guinea và Việt Nam đều tiến hành 2 cải cách. Brunei bắt đầu công bố các báo cáo đo lường hiệu suất của Tòa phúc thẩm Bandar Seri Begawan. Trong khi đó, Lào đã cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng thông qua việc triển khai hệ thống Kiểm soát giám sát và thu thập dữ liệu tự động (SCADA) nhằm theo dõi tình trạng mất điện và khôi phục kết nối. Việt Nam nâng cấp hạ tầng thông tin của Tổng cục Thuế, hỗ trợ doanh nghiệp nộp thuế dễ dàng hơn.

Nhìn chung, các nền kinh tế trong khu vực đều tập trung cải cách lĩnh vực cấp phép xây dựng với 7 cải cách và khởi sự kinh doanh với 5 cải cách.

Các nền kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương đạt kết quả tương đối tốt trong các chỉ số tiếp cận tín dụng, tiếp cận điện năng và cấp phép xây dựng. Thủ tục cấp nối điện cho một cơ sở mới xây dựng trong khu vực này là 63 ngày, ít hơn gần 12 ngày so với mức trung bình của các nền kinh tế OECD. Tương tự, quy trình cấp phép xây dựng ở các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương ngắn hơn 20 ngày so với các nền kinh tế OECD.

Tuy nhiên, khu vực này vẫn còn ghi nhận nhiều yếu kém trong một số lĩnh vực như giải quyết tranh chấp hợp đồng, đây là lĩnh vực cần áp dụng các thông lệ quốc tế bao gồm các hệ thống thay thế giúp giải quyết tranh chấp và thành lập các tòa án thương mại chuyên biệt. Giải quyết tranh chấp thương mại thông qua tòa án sơ thẩm địa phương có chi phí trung bình lên tới 47,2% giá trị khiếu nại, cao hơn gấp đôi mức trung bình là 21,5% của các nền kinh tế OECD. 

Cải cách thuế của Việt Nam được ghi nhận

Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2020 (Doing Business 2020) mới công bố của Nhóm Ngân hàng Thế giới, World Bank (WB) cho thấy các nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục có nhiều cải cách về môi trường kinh doanh, trong đó Singapore, đặc khu Hong Kong,... và Trung Quốc nằm trong top những nước cải cách nhiều nhất.

Theo báo cáo, các nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đã tiến hành 33 chương trình cải cách về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, xét về tổng thể tốc độ cải cách đang chậm lại.

Cụ thể, trong 12 tháng tính đến 1/5/2019, số cải cách trong khu vực đã giảm đi 10. Trong tổng cộng 25 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực, chỉ có 12 nước có cải cách trong năm vừa qua, trong đó có những gương mặt nổi bật như Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam,...

Singapore và Hong Kong tiếp tục xếp vị trí cao về mặt cải cách. Trong khi đó, Trung Quốc cũng ở vị trí nổi bật, với 8 chương trình cải cách. Đây là năm thứ hai liên tiếp Trung Quốc nằm trong top 10 nền kinh tế cải thiện nhiều nhất.

Trong tổng số 190 nền nền kinh tế được khảo sát, Việt Nam xếp hạng thứ 70, giảm 1 bậc so với năm ngoái.

Năm nay, Việt Nam thực hiện được 2 cải cách, trong đó rất nhiều cải cách về thuế của Việt Nam đã được ghi nhận. Chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc trên toàn cầu, từ vị trí 131 lên vị trí 109. Thời gian nộp thuế giảm từ 498 xuống 384 giờ, số lần nộp thuế giảm 4 lần... 

{keywords}
Bảng xếp hạng Doing Business 2020.

Ngoài ra, rất nhiều ứng dụng công nghệ thông tin đã được đưa vào hệ thống ngành thuế để cắt giảm, đơn giản hóa nhiều khâu trong quy trình quản lý và tạo thêm dư địa để cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân trong thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Bà Rita Ramalho, Giám đốc Cấp cao Nhóm Chỉ số Toàn cầu Ngân hàng Thế giới, nhận xét: “Những động lực cải cách ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tiếp tục được duy trì, trong đó có một số quốc gia đạt những thành tích nổi bật như Trung Quốc. Cải cách liên tục là chìa khóa để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân.”

H. Tú