- Những toan tính mới của các cường quốc báo hiệu một cuộc chiến tiền tệ và những nguy cơ rất lớn cho hệ thống tài chính cũng như thương mại toàn cầu.

Toan tính nước lớn

Theo hãng tin ABC, Ngân hàng Trung ương Đức vừa hoàn thành chuyển hơn 330 tấn vàng từ Mỹ về, sớm hơn thời hạn. Đây là một phần trong kế hoạch chuyển số vàng cất trữ ở nước ngoài trong thời gian Chiến tranh Lạnh.

Năm ngoái, Đức cũng chuyển về 111 tấn từ Quỹ dự trữ liên bang New York và cũng đã chuyển 105 tấn vàng từ Paris về nước. Trước đó, trong năm 2013, Đức cũng đã đưa 300 tấn vàng từ New York và 374 tấn từ Paris về Frankfurt. Ngân hàng Trung ương Đức còn 91 tấn vàng sẽ được chuyển nốt từ Paris về trong năm 2017.

Theo CNN, NHTW Đức chuyển vàng về nước để xây dựng niềm tin trong xã hội và không cần giữ vàng ở Paris bởi “cả 2 nước hiện đều dùng chung đồng euro”. Trước đó, sau Thế chiến thứ II, Đức đã chuyển phần lớn thặng dư từ xuất khẩu hàng hóa sang mua và tích trữ vàng ở nước ngoài trước nỗi sợ bị Liên Xô kiểm soát.

{keywords}
Cuộc chiến tiền tệ nhen nhóm sau những chính sách của ông Donald Trump.

Đức chuyển vàng về nước sớm hơn rất nhiều so với kế hoạch trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới đang biến động khó lường. Đồng USD tăng giảm bất thường do bị mắc kẹt giữa các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính sách của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Fed có kế hoạch tăng dần lãi suất đồng USD nhưng triển vọng của đồng bạc xanh không chắc chắn bởi những rủi ro đến từ các chính sách kích thích kinh tế và “khẩu vị” thích đồng USD yếu của ông Trump.

Trước đó, cố vấn thương mại cao cấp Peter Navarro của ông Trump cũng đã cáo buộc Đức trục lợi từ việc đồng euro bị phá giá quá mức để nền kinh tế lớn nhất châu Âu giành lợi thế cạnh tranh và đạt thặng dư thương mại với Mỹ ở mức kỷ lục trong năm 2016. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phủ nhận cáo buộc của chính quyền Donald Trump.

Trong khi USD trồi sụt thì đồng euro  cũng đang ở trong thời kỳ không ổn định. Đồng tiền chung của châu Âu nhiều lần tụt giảm do giới đầu tư lo ngại cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Pháp. Lập trường dân túy, bài EU và người nhập của ứng cử viên tổng thống Pháp Marine Le Pen khiến nhiều người lo ngại.

Trước đó, thị trường tài chính thế giới đã chao đảo sau khi người dân Anh quyết định chọn rút khỏi EU (Brexit). Đồng euro đã tụt giảm thảm hại xuống gần ngang bằng so với USD. Cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Italia cũng góp phần khiến tài chính khu vực này chao đảo.

Các cuộc gặp dồn dập của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Mỹ với ông Donald Trump đã khiến cho các đồng minh cũng như đối thủ của mình lo lắng, nhất là sau khi tân tổng thống Mỹ buộc tội các DN Nhật đã lợi dụng thực tiễn thương mại không công bằng và Nhật duy trì một đồng Yên yếu.

Phòng thủ trước nguy cơ khủng hoảng

Động thái Ngân hàng Trung ương Đức chuyển vàng cất trữ ở nước ngoài về nước trước thời hạn có lẽ phần nào đã cho thấy thực trạng các quan hệ kinh tế thế giới đã bước sang một giai đoạn mới.

Nếu như trước đây, nước Đức mua vàng và cất trữ ở nước ngoài là để nhằm thực hiện thanh toán tốt hơn, là vì nỗi lo sợ bị Liên Xô kiểm soát thì giờ đây động thái mới có thể phản ánh nỗi lo ngại ở chiều hướng ngược lại.

{keywords}
Hậu quả của cuộc chiến tiền tệ là khó lường.

Vấn đề mà nước Đức lo ngại lớn nhất vào thời điểm hiện tại là EU với rất nhiều vấn đề đang phải đối mặt, từ người nhập cư, khủng bố cho đến cuộc khủng hoảng nợ công tại một số nước cũng như sự mất cân bằng trong khu vực. Bên cạnh đó, nỗi lo còn đến từ nước Mỹ với nguy cơ bất ổn chính sách dưới thời ông Donald Trump.

Sau cú sốc Brexit, lãnh đạo nhiều nước EU đang đổ dồn sự chú ý tới cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Pháp khi mà bà Le Pen chủ trương chống Liên minh châu Âu và nhập cư đang giành được ưu thế, dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận. Họ lo sợ làn sóng “Exit” sẽ lan rộng và phá vỡ liên minh kinh tế chính trị này.

Trong khi đó, ở phía bên kia Đại Tây Dương, nước Mỹ đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nội bộ chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Sự xung đột giữa Nhà Trắng do ông Donald Trump dẫn đầu với nhiều thế lực khác có thể cản trở quá trình phát triển kinh tế của Mỹ.

Những quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), rồi quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư và những tính toán có phần trái ngược với Fed về chính sách tiền tệ… có thể sẽ khiến nước Mỹ rơi vào khủng hoảng.

Trong một phát biểu gần đây trên Reuters, quanThống đốc NHTW Nhật (BOJ) Haruhiko Kuroda đã cảnh báo nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo đó, hiện tượng hàng loạt NHTW các nước hạ hoặc duy trì lãi suất ở mức thấp có thể gieo mầm mống cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Sự trỗi dậy của hệ thống tài chính ngầm và các hệ thống Fintech có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ toàn cầu.

Sự thay đổi trong hệ thống tài chính Mỹ, theo hướng nới lỏng các quy chế giám sát cũng có thể tạo ra một cuộc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ. Nỗi lo này trở nên lớn hơn khi mà Trung Quốc đang vật lộn với cuộc chiến chống lại sự suy giảm của đồng Nhân dân tệ, nhất là khi đồng tiền này đã được chọn vào rổ tiền tệ quốc tế và liên tục bị tổng thống Mỹ cáo buộc là thấp hơn giá trị thật.

Trong khi tình trạng lãi suất thấp và các đồng tiền suy yếu đang khiến nền kinh tế thế giới chao đảo thì một chính sách cứng rắn của chính quyền Donald Trump có thể sẽ làm bùng nổ một cuộc chiến tranh tiền tệ. Một cuộc chiến thương mại cũng có thể nhấn chìm nền sản xuất của nhiều nước. Hệ thống tài chính thế giới cũng sẽ biến động theo những diễn biến bất thường của tỷ giá. Một cuộc khủng hoảng kinh tế có thể sẽ lại xảy ra ở một khu vực hoặc nhiều khu vực trên thế giới theo chu kỳ 10 năm thường thấy.

V. Hà