Huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang có trên 34% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, sinh sống tập trung tại 10/15 xã, thị trấn của huyện; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn chiếm khá cao. Vì vậy, để nông dân Khmer vươn lên thoát nghèo bền vững, cần tạo những mô hình sinh kế phù hợp tập quán trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nhỏ gắn với đời sống trong phum, sóc.

Thốt nốt là cây trồng đặc trưng với số lượng lớn ở vùng Bảy Núi, tập trung ở huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên của tỉnh An Giang. Trong nhiều năm qua, cây trồng này đã trở thành cây sinh kế bền vững với phần lớn các hộ gia đình Khmer. Hầu hết các bộ phận trên cây thốt nốt đều được bà con nông dân khai thác, tận dụng để tạo ra nhiều sản phẩm hữu dụng khác nhau, mang lại thu nhập khá.

Theo kết quả thống kê, trên địa bàn huyện Tri Tôn có gần 11.000 cây thốt nốt được trồng rải rác khắp các xã. Bà con nông dân Khmer phần lớn khai thác trái thốt nốt tươi và nước mật để tạo ra thực phẩm tiêu dùng hàng ngày bán cho các quán nước giải khát và sản xuất ra đường thốt nốt bán cho người tiêu dùng ở các chợ. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất sản phẩm từ cây thốt nốt của bà con Khmer vẫn theo lối truyền thống thủ công nên sản lượng và chất lượng không đảm bảo yêu cầu của thị trường.

maxresdefault.jpg
Thốt nốt hiện trồng tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn với trên 35.000 cây. 

Thông qua Dự án “Nâng cao lợi ích từ sản phẩm và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer tỉnh An Giang”, thời gian qua, Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực châu Á (AsiaDRHHA) đã tài trợ 30 máy đánh đường thốt nốt cho 30 hộ Khmer tham gia dự án tại các xã: Ô Lâm, Núi Tô, Châu Lăng, An Tức, Lê Trì, với số tiền 180 triệu đồng.

Bên cạnh đó, bà con nông dân được tập huấn về kiến thức sản xuất và kết nối thị trường theo chuỗi giá trị “từ cung đến cầu” và được hỗ trợ trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa định hướng sản xuất sạch và nâng cao chất lượng. 

Việc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với cây thốt nốt giúp bà con đồng bào Khmer phát huy nội lực và gia tăng giá trị từ chính những cây trồng, vật nuôi gắn bó với họ hàng ngày. Đồng thời, khai thác tính đặc thù từ cây thốt nốt để tạo ra sản phẩm đặc trưng mang chỉ dẫn địa lý cho vùng đất Tri Tôn, nơi có nhiều đồng bào Khmer sinh sống.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, thốt nốt hiện được trồng tập trung ở 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn với trên 35.000 cây. Nhờ khả năng phát triển tự nhiên, cây thốt nốt được tỉnh An Giang đánh giá có thể hình thành vùng thốt nốt hữu cơ để từng bước xây dựng thương hiệu thốt nốt hữu cơ của An Giang, góp phần cải thiện đời sống và giảm nghèo cho vùng đông đồng bào Khmer. 

Việt Hùng và nhóm PV, BTV