Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, dự thảo mới nhất sửa đổi Luật BHXH đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm được hưởng lương hưu. Việc này vừa đảm bảo quyền lợi người lao động hưởng chế độ hưu trí, vừa mở rộng diện bao phủ tăng số người đóng BHXH tiến tới hưởng lương hưu sau độ tuổi lao động.
Khi giảm thời gian đóng BHXH, người lao động có điều kiện tiếp cận chế độ lương hưu, đảm bảo quyền lợi an sinh lâu dài.
Ngoài ra, theo ông Quảng, việc giảm thời gian đóng BHXH còn 15 năm được hưởng lương hưu thay vì 20 năm như hiện nay còn tạo ra sự hấp dẫn để giảm thiểu tình trạng người lao động rút BHXH một lần.
Với thời gian đóng BHXH như hiện nay, việc tiếp cận chế độ hưu trí quá dài nên người lao động thường thiên về phương án nhận một lần.
“Đóng BHXH 15 năm dù lương hưu thấp còn hơn là để người lao động rút BHXH một lần, rồi khi về già không được hưởng chế độ hưu trí”, ông Quảng nói.
15 năm đóng BHXH chỉ là thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu
Xung quanh đề xuất đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu, nhiều ý kiến cho rằng mức hưởng thực tế sẽ rất thấp, do vậy chính sách nghiên cứu ban hành phải đảm bảo mức lương tối thiểu cho người lao động.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, thời gian đóng BHXH ngắn, mức đóng thấp thì mức lương hưu sẽ thấp. Nếu thấp quá không đủ sống, nhà nước cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ để người về hưu đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
“Trước đây chúng ta có quy định mức lương hưu thấp hơn lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh lên bằng mức lương tối thiểu. Thế nhưng bây giờ quy định này đã bỏ rồi nên phải nghiên cứu để làm sao hỗ trợ người lao động có mức hưởng đảm bảo đời sống tối thiểu khi về hưu”, ông Huân nói.
Về vấn đề này ông Lê Đình Quảng nói thêm, mức lương hưu phụ thuộc vào 2 điều kiện thời gian đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu.
Thời gian đóng ngắn khi đến tuổi nghỉ hưu mức hưởng không cao, nhưng đó là mức lương hưu tối thiểu. Khi người tham gia BHXH đủ 15 năm nhưng đang còn tuổi lao động, sẽ khuyến khích họ tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, tăng thời gian đóng để hưởng lương hưu cao hơn.
Ông Quảng cũng nhìn nhận, hiện nay mức lương đóng BHXH ở nước ta cơ bản còn thấp. Mức lương hưu có sự phân hoá lớn, có người về hưu hưởng lương rất cao nhưng có người rất thấp, sự chia sẻ lương hưu chưa cao.
“Lương hưu ở các nước không có sự chênh lệch nhiều, vẫn theo nguyên tắc đóng cao hưởng cao, nhưng cơ bản khi về hưu bộ trưởng với người lao động bình thường không chênh lệch nhiều. Trong khi ở nước ta lại có sự phân hóa lớn. Đây là bất cập chính sách cần phải quan tâm để điều chỉnh cho phù hợp hơn”, ông Quảng nói.