Về trường hợp này, Bộ LĐ-TB&XH đã có dự thảo hướng dẫn thực hiện Luật BHXH 2024 rất cụ thể.
Ví dụ: Trường hợp của ông C. 62 tuổi, đề nghị hưởng lương hưu từ ngày 1/3/2029, có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam là 10 năm và thời gian đóng BHXH ở Hàn Quốc là 5 năm.
Việc giải quyết chế độ hưu trí đối với ông C. được thực hiện căn cứ theo quy định của Luật BHXH và Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc về BHXH.
Thời gian đóng BHXH để xét điều kiện hưởng lương hưu của ông C. là tổng thời gian tham gia BHXH ở Việt Nam và Hàn Quốc: 10 năm + 5 năm = 15 năm. Như vậy, ông C đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Mức hưởng lương hưu ở Việt Nam được tính theo thời gian người lao động đã đóng BHXH tại Việt Nam:
Tỷ lệ hưởng lương hưu của ông C. là 10 năm x 2,25% = 22,5%
Mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với 10 năm đóng tại Việt Nam được tính theo quy định tại Điều 72 của Luật BHXH.
Ngoài mức lương hưu được hưởng theo quy định của Luật BHXH của Việt Nam, ông C. còn được hưởng chế độ hưu trí đối với thời gian đóng BHXH tại Hàn Quốc theo quy định của pháp luật của Hàn Quốc.
Việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 66 của Luật BHXH.
Cụ thể, khoản 4 điều 66 quy định việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Chỉ áp dụng với các nước Việt Nam ký kết các hiệp định song phương về BHXH
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thông qua việc bổ sung quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Luật BHXH 2024 có quy định về thời gian tham gia BHXH của người lao động ở Việt Nam và ở nước ngoài được tính để xét điều kiện hưởng chế độ BHXH.
Đây là xu hướng của quá trình hội nhập, sẽ đàm phán và ký kết các hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và các nước.
Phó Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) Nguyễn Duy Cường cho biết, thời gian qua, một hiệp định song phương về BHXH đã được ký kết giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là hiệp định song phương đầu tiên của hai nước trong lĩnh vực này và cũng là hiệp định song phương đầu tiên về BHXH của Việt Nam với một quốc gia khác. Hiệp định này được áp dụng từ ngày 1/1/2024.
Vì thế, trong Luật BHXH 2024 đã ghi nhận quá trình công tác, thời gian đóng BHXH để tính hưởng các quyền lợi đối với nhóm người lao động từng đi làm việc tại nước ngoài, cũng như lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Khi các nước ký kết hiệp định song phương về BHXH, thông thường sẽ có 2 nội dung lớn. Trước hết là tránh việc đóng 2 lần BHXH với người lao động. Đồng thời, thời gian đóng BHXH sẽ được hai bên công nhận lẫn nhau.
Thời gian tham gia đóng BHXH của người lao động là công dân Việt Nam, công dân Hàn Quốc sẽ được tính là tổng thời gian mà người lao động đó đã tham gia đóng BHXH ở Việt Nam và Hàn Quốc.
Tổng thời gian này sẽ là căn cứ để Quỹ BHXH Việt Nam và Quỹ Hưu trí quốc gia Hàn Quốc xét điều kiện cho người lao động hưởng chế độ lương hưu.