Đồng Tháp là tỉnh có đường biên giới giáp tỉnh Pray Veng (Campuchia) có chiều dài 50,5km, với 2 cửa khẩu quốc tế, 5 cửa khẩu phụ và nhiều đường tiểu ngạch. Hàng ngày, lưu lượng người qua lại biên giới làm ăn, buôn bán, lao động... có chiều hướng gia tăng nên công tác kiểm soát người qua lại dọc tuyến biên giới gặp nhiều khó khăn. Tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép còn xảy ra. Đây là vấn đề tiểm ẩn yếu tố phát sinh tội phạm mua bán người và điều kiện để đối tượng lợi dụng hoạt động.

Thời gian qua, để phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Đồng Tháp (Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh) đã tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa, tố giác tội phạm của người dân, không để hình thành các băng nhóm, đường dây tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh, các sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai theo chức năng, nhiệm vụ. 

dt2-5-1.jpg
 Tuyên truyền phòng ngừa tội phạm mua bán người cho người lao động tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thường xuyên giám sát, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới, tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng... nhằm ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người. Đồng thời phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh. 

Các sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hướng dẫn người dân về cách thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo đi làm việc tại Campuchia với mục đích mua bán người và khuyến cáo những biện pháp cảnh giác, phòng ngừa. Đồng thời lồng ghép tuyên truyền qua buổi sinh hoạt của các mô hình, tổ chức được 2.155 cuộc.

Công an tỉnh tăng cường công tác nghiệp vụ, rà soát đối tượng và ngăn chặn các đường dây hoạt động phạm tội. Tập trung vào các địa bàn, khu vực trọng điểm về tội phạm mua bán người, các đối tượng sử dụng thủ đoạn tuyển dụng lao động “làm việc nhẹ lương cao” tại Campuchia để lừa bán vào các sòng bạc. Phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng điều tra, nắm tình hình tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới tỉnh Đồng Tháp; xây dựng kế hoạch nghiệp vụ nhằm phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hành vi mua bán người, xuất cảnh trái phép liên quan đến mua bán người...

Được biết, nhờ sự phối hợp liên ngành mà từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được kiềm chế, trên tuyến biên giới chưa phát hiện tội phạm mua bán người từ Đồng Tháp sang Campuchia và ngược lại.

Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh Đồng Tháp, các sở, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, UBND huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người. Cùng với đó, khuyến khích, vận động nhân dân chủ động phòng ngừa, kịp thời tố giác tội phạm mua bán người đến lực lượng chức năng. Các lực lượng chức năng phối hợp kiểm soát chặt biên giới nhằm phát hiện, ngăn chặn hoạt động đưa người xuất nhập cảnh trái phép, mua bán người…

Thanh Vy