Nhằm thực hiện có hiệu quả các kế hoạch phòng chống mua bán người, năm 2023, cơ quan Công an tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều giải pháp, vừa tăng cường đấu tranh với tội phạm mua bán người, vừa đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là học sinh miền núi.
Về công tác đấu tranh, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ nhằm tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tháng 7/2023, Công an tỉnh Tuyên Quang triển khai thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người năm 2023.
Hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người - 30/7” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”, Công an tỉnh đề nghị mỗi người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, nâng cao hiểu biết pháp luật, tự bảo vệ mình và người thân để không rơi vào cạm bẫy của các đối tượng phạm tội mua bán người. Mọi cơ quan tổ chức và người dân khi phát hiện hành vi mua bán người, cần thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc gọi Tổng đài 111 để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời.
Cũng trong tháng 7, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với Công an thành phố Tuyên Quang vừa phát hiện nhóm đối tượng có dấu hiệu của tội phạm mua bán người dưới 16 tuổi, gồm: Trần Việt Nam, sinh năm 1996, trú tại Khu Đầu, thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình (hiện tạm trú tại thôn Nội, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc); Nguyễn Văn Tài, sinh năm 2000, trú tại Tổ 2 và Lê Trung Quý, sinh năm 1990, trú tại Tổ 17, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang.
Quá trình điều tra ban đầu xác định, các đối tượng có hành vi mua bán cháu P.N.T.D, sinh năm 2008, trú tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc để phục vụ trong các quán karaoke trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Với công tác tuyên truyền, cơ quan Công an tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các địa phương, trường học tổ chức nhiều đợt tuyên truyền để giúp học sinh cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Điển hình ngày 16/9, Đoàn công tác Văn phòng Bộ Công an, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Bệnh viện 19/8 phối hợp với Công an tỉnh Tuyên Quang tổ chức chuỗi các hoạt động sinh hoạt chính trị trong tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, trọng tâm là tổ chức phổ biến, tuyên truyền pháp luật về việc phòng, chống mua bán người trong học đường và khám bệnh, cấp phát thuốc cho các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đây là dịp để giáo viên và học sinh nâng cao nhận thức pháp luật, đồng thời, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của cán bộ, chiến sĩ vì sức khỏe cộng đồng.
Theo đó, chương trình tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người được tổ chức tại Trường THPT Sơn Dương, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang với sự tham gia của 1.500 học sinh và 75 giáo viên nhà trường.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an nhấn mạnh, tội phạm mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới (cùng với tội phạm về ma túy, mua bán vũ khí và khủng bố). Tại Việt Nam, hiện nay, tình trạng mua bán người có xu hướng gia tăng với những diễn biến phức tạp.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho mọi lứa tuổi, trong đó đặc biệt chú trọng đến lứa tuổi thanh, thiếu niên để phòng ngừa tội phạm mua bán người và các loại tệ nạn xã hội là hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực. Qua đó góp phần nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động các cấp, các ngành chủ động tham gia công tác phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, tạo nên phong trào hành động phòng, chống mua bán người, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm. trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Thầy giáo Nông Quốc Duy, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Dương cho biết, qua chương trình tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người, học sinh và cán bộ giáo viên nhà trường thông tin về thực trạng nạn mua bán người trên thế giới, Việt Nam và địa bàn tỉnh; cách nhận diện, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người hiện nay; chủ trương và chính sách, pháp luật về phòng chống mua bán người; trang bị kỹ năng cần thiết bảo vệ bản thân, gia đình trước nạn mua bán người, đặc biệt là tham gia phát hiện và tố giác tội phạm khi phát hiện dấu hiệu mua bán người.
Với đặc thù nhà trường nằm ở tỉnh miền núi với trên 45% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, những chương trình phố biến nâng cao kiến thức pháp luật lại càng hữu ích. Theo thầy giáo Nông Quốc Duy, nhà trường sẽ thường xuyên lồng ghép tuyên truyền qua các buổi ngoại khóa, sinh hoạt và các hoạt động tập thể tới các em học sinh trong cả năm học.
Kết hợp với chương trình tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người, Đoàn công tác Văn phòng Bộ Công an, Học viện Chính trị Công an nhân dân, Bệnh viện 19/8 và Công an tỉnh Tuyên Quang trao tặng quà cho Quỹ Khuyến học nhà trường và trao tặng 35 phần quà cho 35 em học sinh nghèo vượt khó, học giỏi của Trường THPT Sơn Dương.
Thời gian tới, cơ quan Công an tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, Ban Chỉ đạo 138 huyện, thành phố; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong phòng, chống mua bán người. Khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm mua bán người và những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống mua bán người trong năm 2022.
Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, phân loại với tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh và khởi tố để điều tra khi đủ căn cứ theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án mua bán người được giải quyết, xét xử.
Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; chấp hành nghiêm các quy định về hợp tác quốc tế để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người.