Sáng 25/12, dòng tiền bất ngờ đổ mạnh vào thị trường chứng khoán với tâm điểm là 30 cổ phiếu trụ cột (nhóm VN30). Cổ phiếu ngân hàng và nhóm thép dẫn sóng, qua đó đẩy chỉ số VN-Index tăng mạnh.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 15,93 điểm (+1,3%) lên 1.276,29 điểm.
Trong phiên chiều, dòng tiền vẫn được duy trì khá mạnh. Chung cuộc VN-Index tăng 13,68 điểm (+1,1%) lên 1.274,04 điểm. HNX-Index tăng 0,64%, còn Upcom-Index tăng 0,61%. Thanh khoản trên cả 3 sàn đạt gần 20,7 nghìn tỷ đồng và đang dần hướng về ngưỡng 1 tỷ USD/phiên đã lâu không còn được ghi nhận.
Nổi bật trên thị trường là 2 nhóm ngân hàng và vật liệu xây dựng.
Cổ phiếu CTG của Ngân hàng Vietinbank có lúc tăng trần lên 38.700 đồng/cp. Tới cuối phiên, cổ phiếu CTG còn tăng 2.000 đồng, lên 28.200 đồng/cp. Tuy nhiên, khối ngoại bán ròng cổ phiếu này với gần 3,3 triệu đơn vị, trong khi mua gần 2,45 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu Sacombank (STB) tăng 1.550 đồng/cp lên 36.250 đồng/cp. Cổ phiếu này được khối ngoại mua ròng khá nhiều, bán hơn 650 nghìn đơn vị, trong khi mua hơn 2,8 triệu đơn vị.
Gần như tất cả các mã ngân hàng đều tăng giá, trong đó có Vietcombank (VCB), BIDV (BID), Techcombank (TCB), MBBank (MBB)…
Trong nhóm vật liệu xây dựng, các mã thép khá ấn tượng. Cổ phiếu Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long tăng 450 đồng lên 27.150 đồng/cp. Nhóm xây dựng cũng diễn biến tích cực như HBC, FCN…
Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đồng loạt đi lên. Cho dù vẫn chịu áp lực bán từ khối ngoại, nhưng nhóm cổ phiếu “họ Vin” của tỷ phú Nhật Vượng đều tăng giá. Vinhomes (VHM) tăng 250 đồng lên 40.600 đồng/cp; Vingroup (VIC) tăng nhẹ lên 40.650 đồng. Vincom Retail (VRE) tăng 250 đồng lên 17.300 đồng/cp.
Cổ phiếu Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang tăng 500 đồng lên 70.700 đồng/cp.
Mã FPT tăng 400 đồng lên 150.800 đồng/cp. Trong cả năm 2024, nhóm cổ phiếu FPT và cả Viettel đã bứt phá mạnh mẽ cùng “trend” trí tuệ nhân tạo (AI) trên phạm vi toàn cầu. FPT và Viettel đã liên tục lập những đỉnh cao mới.
Thị trường tăng điểm chủ yếu nhờ nhóm cổ phiếu trụ cột trong bối cảnh có những kỳ vọng nhất định về triển vọng nền kinh tế nói chung và chứng khoán nói riêng trong năm 2025, khi đầu tư công được kỳ vọng sẽ mạnh mẽ hơn, dòng vốn FDI có thể đổ nhanh hơn vào Việt Nam dưới thời ông Donald Trump…
Tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt vào đầu tuần này sau một tuần dậy sóng trước đó vì Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu thận trọng… cũng là yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán.
Ngân hàng Nhà nước đã bơm lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Hôm 23/12 bơm ròng hơn 22 nghìn tỷ đồng, còn 24/12 bơm ròng hơn 11 nghìn tỷ đồng tren thị trường mở.
Tiền bơm ra vào thời điểm cuối năm giúp hỗ trợ thanh khoản và có thể một phần được sử dụng trên TTCK.
Thị trường cũng được hỗ trợ bởi kỳ vọng về nhóm cổ phiếu công nghệ, trong đó có nhóm FPT và cả Viettel. Đầu tháng 12 vừa qua CEO Nvidia Jensen Huang trở lại Việt Nam và lập trung tâm nghiên cứu AI thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc). Nhiều ông lớn khác như Google và Apple cũng đẩy mạnh mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Kỳ vọng về dòng vốn FDI vào Việt Nam, đặc biệt vào lĩnh vực công nghệ đã mang tới triển vọng tích cực hơn cho nhiều nhóm cổ phiếu.
Với khả năng bứt phá về công nghệ, giới đầu tư thường chấp nhận mức định giá cao hơn cho những cổ phiếu được hưởng lợi từ xu hướng này.
Việc Trung Quốc có kế hoạch phát hành kỷ lục hơn 400 tỷ USD trái phiếu đặc biệt, bơm tiền vào nền kinh tế trong năm 2025 cũng được kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió mới vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, qua đó có thể đẩy sức cầu tiêu dùng tại nước này cũng như tác động tích cực đến giá cả nhiều loại hàng hóa, trong đó có thép tại Việt Nam.
Khoản tiền khổng lồ dự kiến được dùng để thúc đẩy tiêu dùng nội địa cũng như đầu tư vào hạ tầng, các lĩnh vực đổi mới sáng tạo…
Một số dự báo gần đây cho rằng, chứng khoán Việt Nam tích cực trong năm 2025, có thể lên trên 1.400 điểm nhờ định giá hiện hấp dẫn và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ đạt khá cao trong năm tới. VinaCapital kỳ vọng VN-Index tăng 20% trong năm 2025.
Dù vậy, cũng có những hoài nghi. Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán cho rằng, VN-Index tăng điểm khá mạnh trong phiên 25/12 nhờ chủ yếu nhóm trụ cột, và thị trường thường tăng mạnh nhờ sóng chốt NAV (tài sản ròng), một chỉ số chính để đánh giá kết quả hoạt động của các quỹ đầu tư, đặc biệt dịp cuối năm.