Có lẽ nào trong XH chúng ta đang sống, "tử tế" và niềm tin là hai thứ xa xỉ? 'Sự tử tế' là điều đang gây nhức nhối trong xã hội hiện nay, có phải vì thế mà một sự kiện ra mắt sách lại đông một cách khác thường như vậy? Phải chăng vì chủ đề cuốn sách lựa chọn đánh trúng thị hiếu của độc giả hiện nay?
Th.s Nguyễn Đình Thành từng học ngành quản trị Văn hóa tại Pháp. |
Vietnamnet phỏng vấn Dịch giả, diễn giả Nguyễn Đình Thành, thạc sĩ quản trị văn hóa ĐH Paris 9 để tìm câu trả lời cho những khúc mắc trên.
- Mới đây, sự kiện ra mắt sách 'Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế' mà anh tham gia với tư cách diễn giả đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của độc giả, thậm chí nhiều người phải đứng để theo dõi buổi tọa đàm. Theo anh thì vì sao nó lại có được sức hút lớn như vậy?
Tôi nghĩ một loạt sự kiện vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua đã tạo nên một tâm lý lo ngại lan tràn trong xã hội và mọi người đều đặt câu hỏi về sự tử tế của người sản xuất, người buôn bán, người quản lý. Một giá trị tưởng như tự nhiên là sống tử tế bỗng nhiên trở thành một câu hỏi. Mọi người đến đó để tìm câu trả lời cho việc: liệu người ta có thể đi đến thành công bằng sự tử tế hay không? Tử tế theo tôi là không làm cho người khác điều mình không muốn xảy ra với mình.
Một cá nhân sống tử tế là như thế nào?
- Đọc cuốn sách người ta tìm thấy điều gì?
Người ta tìm thấy lời giải cho việc một cá nhân sống tử tế là như thế nào? Một công ty kinh doanh tử tế là như thế nào? Một quốc gia tử tế là như thế nào? Không quá sa đà vào các chi tiết, tôi cho rằng bốn chữ “kính thiên, ái nhân” mà tác giả nhắc đến trong cuốn sách đã gói trọn lời giải cho tất cả. Mỗi cá nhân cần phải biết “sợ” điều gì đó, ngăn họ không làm cho người khác điều bản thân mình không muốn nhận phải. Ái nhân ở mức độ cá nhân là biết nghĩ đến người khác.
Trong kinh doanh, theo tác giả điều đó có nghĩa là phải đảm bảo quyền lợi của cả người mua và người bán, không có bên nào ép bên nào phải chịu thiệt, có như thế mới là tử tế. Ở mức độ quốc gia, các nước phát triển như Nhật hay nước lớn như Trung Quốc nên chọn con đường vương đạo là mang lại kiến thức và sự phát triển cho các quốc gia khác, làm người ta biết ơn mình hơn là chỉ chú trọng phát triển kinh tế hay quân sự.
- Gần đây có cả một chuyên mục mang tên 'tử tế' xuất hiện trên truyền hình, người ta cũng nói nhiều hơn tới hai từ này trong gần như mọi khía cạnh. Một xã hội đang có vẻ thừa mứa về vật chất nhưng lại khan hiếm, hay nói cách khác là lờ đi hai chữ 'tử tế'. Theo anh thì con đường đến thành công có nhất thiết phải cần có sự tử tế không?
Tử tế chỉ là một trong những con đường dẫn đến thành công, không phải là con đường duy nhất. Tử tế không đảm bảo cho thành công nhưng tử tế làm người ta hạnh phúc. Sự tử tế là một hành trình không phải là đích đến.
- Có một câu hỏi nhiều người đặt ra là: Vậy sống tử tế thì tôi được gì? Theo anh đặt câu hỏi này ra có thừa không? Và làm cách nào để lan tỏa những điều tử tế nhiều hơn trong xã hội?
Tác giả có dẫn một câu ngạn ngữ Nhật trong sách nói rằng người ta không tử tế chỉ vì người. Tử tế sẽ dẫn đến việc tốt cho chính người tử tế. Vì thế tôi cho rằng mỗi người hãy làm những điều tốt từ việc nhỏ nhất, hãy tử tế từ chính mình trước, trước khi mong đợi hay buộc xã hội nay người khác phải tử tế với mình. Có người đã hỏi, liệu có tử tế nếu người ta chơi xấu mình?
Tôi đã gặp một người thành công, bị đối thủ chơi xấu, sao chép toàn bộ menu, thương hiệu và những bài viết quảng bá cho thương hiệu của chị ấy, nhưng chị ấy đã chọn cách tự cải tiến sản phẩm dịch vụ của mình để kẻ sao chép kia không thể theo kịp. Giờ đây thương hiệu của chị ấy vẫn là chuỗi SPA giảm béo lớn nhất Việt Nam. Những điều tử tế sẽ lan toả trước hết với những người xung quanh bạn rồi nhân rộng lên như những vòng sóng nước lan toả trên mặt nước. Tôi tin vào một sự lan toả tự nhiên vì đâu đó trong mỗi người bao giờ cũng có hạt giống của sự tử tế chờ được nảy mầm.
Hiếm có sự kiện ra mắt sách nào ở thể loại này lại thu hút sự quan tâm như vậy. |
Tử tế vẫn là một vấn đề thời sự
- Hơn 30 năm trước, bộ phim 'Chuyện tử tế' của đạo diễn Trần Văn Thủy đã từng gây chấn động dư luận trong xã hội khi đó. Thậm chí phim còn từng bị cấm chiếu vì 'động chạm'. Và hơn 3 thập kỷ trôi qua, 'chuyện tử tế' dường như vẫn là một vấn đề thời sự đối với xã hội đương thời. Theo anh thì bộ phim 'Chuyện tử tế' có tính dự báo hay sự tử tế sự thực đang bị coi nhẹ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa và kinh doanh?
Bộ phim ấy tôi đã xem lại nhiều lần, lần nào suy nghĩ cũng thấy ra cái hay, cái mới. Tôi có bạn đồng nghiệp trẻ còn xem mỗi tuần 1 lần từ nhiều tháng nay như người ta nghe một bài hát. Tử tế vẫn là một vấn đề thời sự. Lấy ví dụ từ chuyện chống thực phẩm bẩn hiện nay. Sự tử tế sẽ là liều thuốc cho căn bệnh này. Người mua tử tế không ép giá để người sản xuất không bị thiệt đến mức phải làm ẩu để tăng số lượng, bỏ qua chất lượng. Người bán tử tế không bán thực phẩm ướp tẩm chất mà người ấy biết là độc hại cho người tiêu dùng.
Tất nhiên tử tế cũng có tính văn hoá và có liên quan tới quy định pháp luật. Những mức phạt nghiêm khắc và điều khoản ngăn chặn ý nghĩ gây hại cho người khác cũng sẽ làm người ta sống tử tế hơn. Ví dụ như ở Pháp có quy định sau khi chấm dứt hợp đồng thì trong vòng 5 năm sẽ không được kinh doanh mặt hàng mà người thuê trước đã làm. Rõ ràng quy định này của pháp luật sẽ ngăn người chủ nhà doạ đuổi người thuê để tăng giá thuê mỗi tháng, mỗi quý, mỗi năm.
Nếu luật pháp quy định rõ và văn hoá chấp nhận để người vi phạm luật giao thông sẽ phải bồi thường cho người đi đúng luật bất kể là đi phương tiện gì thì xã hội sẽ bớt đi những trường hợp “ăn vạ” xe to hơn (xe máy, xe đạp, người đi bộ bắt đền người lái xe ôtô khi xảy ra va chạm, bất kể lỗi thuộc bên nào), thì chắc chắn ngoài đường người ta sẽ cư xử tử tế hơn với nhau.
- Xin cảm ơn anh!
Hoàng Vy