Lo chậm tiến độ tu sửa đình làng

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Ngọc Thông, Phó Ban quản lý đình Giảng Võ (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trước đây khu vực đình làng rộng hơn 10.000m2, trong đó có ao. Theo thời gian, quá trình đô thị hóa vào những năm 1990, người dân sống quanh khu vực đình làng đã san lấp, lấn chiếm, hiện nay diện tích khu đình còn khoảng 1.700m2.

“Do sự quản lý đình chưa chặt chẽ, khoảng 15 năm trở lại đây, rất nhiều ngôi nhà lớn mọc lên, lấn chiếm diện tích của đình”, ông Thông cho biết.

W-hhhhhhhhh.jpg
Nhiều ngôi nhà lấn chiếm đất của đình Giảng Võ.

Theo ông Thông, có 13 nhà lấn chiếm quanh đất của đình. Qua nhiều đợt giải tỏa, đa số các hộ dân đã trả lại mặt bằng và giao cho Ban quản lý đình. Hiện tại vẫn còn 5 hộ dân chưa di dời.

Trong tất cả các cuộc họp liên quan đến di tích, Ban quản lý đình đều đưa vấn đề này ra thảo luận nhưng chưa có kết quả cụ thể. Thay mặt Ban quản lý đình, ông Thông cũng đã nhiều lần kiến nghị tới cơ quan chức năng các cấp.

Ông Thông cho biết, nếu các hộ lấn chiếm không chịu di dời, theo bản thiết kế ngôi nhà ngang của đình sẽ nằm vào chính giữa các hộ dân này.

W-den-lang-giang-vo-3-1.jpg
Hiện nay đình làng Giảng Võ đang tu sửa.

Ông Thông cho biết, đình làng Giảng Võ là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, được Bộ VHTT&DL cho phép tu sửa từ nguồn kinh phí của Nhà nước, thời hạn tu sửa hơn 300 ngày.

“Sau gần 2 tháng thực hiện thi công, chính quyền và nhân dân phường Giảng Võ đã động thổ tháo dỡ đình cũ và đang tiến hành xây đình mới trên nền đất cũ. Đến thời điểm này phải dừng lại vì chưa giải phóng xong mặt bằng”, ông Thông chia sẻ.

Lo lắng không kịp tiến độ tu sửa, Ban quản lý đình và người dân phường Giảng Võ mong TP Hà Nội sớm giải quyết việc giải phóng mặt bằng.

Khi bàn giao nhà ở xã hội, nếu không di dời sẽ cưỡng chế

Bà Nguyễn Thị Bạch Yến (một trong những hộ dân được trả tiền đền bù) cho biết, gia đình bà sẽ di dời bất cứ lúc nào nếu chính quyền địa phương tìm được chỗ ở mới cho gia đình.

“Hôm trước chúng tôi đã ra bốc thăm nhà ở xã hội ở quận Cầu Giấy, thế nhưng vẫn chưa có kết quả nên gia đình không biết đi đâu”, bà Yến chia sẻ.

Trong khi đó, ông Trần Minh Sơn nêu lý do gia đình chưa di dời vì chưa nhận được đủ tiền đền bù. “Gia đình chúng tôi cũng rất muốn đình làng khang trang, nên chúng tôi sẽ trả đất bất cứ lúc nào nếu nhận đủ tiền đền bù”, ông Sơn nói.

W-den-lang-giang-vo-4-1.jpg
Những ngôi nhà được xây dựng kiên cố quanh đình làng Giảng Võ.

Liên quan đến việc tu sửa đình làng, ông Nguyễn Ngọc Chiến, Chủ tịch UBND phường Giảng Võ cho biết, vấn đề này được chính quyền quận, phường và người dân rất quan tâm.

"Từ năm 2012 người dân ở quanh đình làng đã được đền bù, được mua nhà ở xã hội tại khu Nam Trung Yên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy). Thế nhưng thời điểm đó tòa nhà chưa xây dựng xong nên người dân ở đây không đi. Đến nay đã có một số hộ dân di dời, còn 5 hộ chưa đi", ông Chiến cho biết.

Theo ông Chiến, tháng 3/2023, phường đã cử người ra bốc thăm nhà ở xã hội cho 5 hộ dân trên. Tuy nhiên, tòa nhà ở xã hội đang sửa chữa chưa xong nên người dân vẫn chưa thể chuyển đến.

Sau khi nhà ở xã hội sửa chữa xong, khi bàn giao cho các hộ dân mà người dân không di dời thì phường sẽ tổ chức cưỡng chế theo đúng quy định.

"Các hộ dân được nhận đền bù năm 2012 nên chúng tôi đã xin TP Hà Nội bán các căn chung cư theo giá tiền của năm đó để người dân không bị thiệt", ông Chiến nói.

Vị đại diện UBND phường Giảng Võ cũng cho biết, đến Tết âm lịch, khu vực đình chính sẽ được hoàn thiện.

Đình Giảng Võ được xây dựng từ thế kỷ 15, thờ Bà Chúa Kho Lý Thị Châu Nương - một nữ tướng thời Trần.

Đình được thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử năm 1983. Ngày 20/7/1994, đình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hằng năm, đình thường tổ chức lễ hội truyền thống vào dịp ngày sinh (12/2 âm lịch), ngày hóa (20/7 âm lịch) của Bà Chúa kho. Ngoài ra, vào ngày 23/12 âm lịch, tại đình có lễ rước bài vị và bát hương của Bà Chúa kho, cầu cho quốc thái dân an.