Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) được công nhận là di tích cấp thành phố vào tháng 2/2021. Sau hơn 10 năm được khai quật, di tích không được chăm sóc thường xuyên, hiện nay rơi vào cảnh hoang phế, cỏ dại mọc um tùm. 

Ngày 24/3, tại Kỳ họp 11 HĐND TP Đà Nẵng đã qua chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) giai đoạn 1 với số tiền đầu tư hơn 140 tỷ đồng.

Theo đó, dự án được HĐND Đà Nẵng thông qua gồm khu vực 1 (khu vực bảo tồn, lõi di tích) có diện tích 2.653m2 và khu vực 2 là khu vực bảo vệ di tích có diện tích 4.279m2 với các công trình bảo tồn như kiến trúc tháp, các kiến trúc phụ và hệ thống liên kết, miếu Bà, 2 ngôi mộ cổ, hạng mục tường bao bảo vệ, hệ thống cây xanh, không gian cảnh quan tạo vùng đệm bảo vệ di tích.

Riêng khu vực 3 là khu vực hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật có diện tích 15.461m2, quy hoạch các hồ sen, khu vực cây xanh, cảnh quan tạo không gian mở phục vụ cộng đồng dân cư và du khách tham quan, thư giãn, giải trí. Khu vực 3 còn có công trình nhà trưng bày di tích Chăm tại Đà Nẵng, không gian để trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể, các khu dịch vụ, giải khát, bán các sản phẩm truyền thống.

Hình ảnh di tích Chăm Phong Lệ trước ngày được "hồi sinh"

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) hiện nay rơi vào cảnh hoang phế
Theo ghi nhận, toàn bộ khu di tích hiện nay phủ kín cỏ dại...

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc Chăm, tuy nhiên thời gian qua do không được chăm sóc thường xuyên nên di tích đứng trước nguy cơ hoang phế.

Hố thiêng - khu vực lõi của di tích sau khi khai quật, phát lộ được che chắn bằng bao cát và lợp mái tôn
Có nhà cạnh di tích, bà Phan Thị Cổ (65 tuổi) cho biết, lâu nay khu di tích ít người lui tới. 
Nguyên giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng Võ Văn Thắng người gắn bó với di chỉ Phong Lệ từ ngày đầu phát lộ cho biết, dự án nâng cấp, tôn tạo được triển khai sẽ giúp giá trị của di tích được nhân lên, làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa hiện nay.
Được biết, dự án sẽ thực hiện từ năm 2023 đến 2027, khi hoàn thành sẽ là điểm đến mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử.
Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được lấy tên theo tên làng Phong Lệ xưa. Trong quá khứ, đây là vùng đất chuyển giao từ vương quốc Chămpa sang Đại Việt sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Chămpa Chế Mân và công chúa Huyền Trân. Cuối thế kỷ XIX, nơi đây là đồn điền. Chủ đồn điền là ông Camille Paris đã tìm thấy 30 hiện vật điêu khắc Chăm trên mảnh đất mình canh tác, chuyển về công viên Tourane (sau này là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng)...
Tháng 4/2011, một gia đình khi đào móng làm nhà đã phát hiện một pho tượng cổ đầu người mình chim và nhiều gạch Chăm. Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm và các chuyên gia đã khai quật khẩn cấp 3 đợt (trong các năm 2011, 2012 và 2018), làm phát lộ khá rõ ràng và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của một toà tháp Chăm. Nhiều cổ vật thời Chăm đã được tìm thấy và đưa về bảo quản. Đoàn khảo cổ nhận định, di tích Chăm Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên gò đất cao, bao quanh bởi dòng chảy cổ thuộc sông Cẩm Lệ, được người Chămpa bắt đầu xây dựng khoảng đầu thế kỷ X và duy trì thờ tự ít nhất đến thế kỷ XII.