- Sáng nay, dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, phiên chất vấn đầu tiên của QH khóa 14 được mở đầu bằng các câu hỏi xoay quanh những vấn đề thuộc ngành công thương.

Mở đầu phần chất vấn Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chúc Bộ trưởng thành công trong nhiệm kỳ.

XEM CLIP Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Tiến Sinh:

Ông Sinh nêu: Báo cáo trước QH về nguyên nhân thua lỗ, yếu kém của các siêu dự án mà nhà nước đầu tư và do Bộ quản lý, Bộ trưởng đã chỉ rõ không loại trừ sự cố ý vi phạm của nhà nước trong sự quản trị hoạt động đầu tư tại DNNN. 

"Đề nghị Bộ trưởng làm rõ hơn những sai phạm này, đâu là trách nhiệm của cơ quan quản trị tại DN khi xây dựng dự án kém hiệu quả, đặc biệt đâu là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý đầu tư tại DN. Bộ trưởng có kiến nghị gì với QH, CP để khắc phục những bất cập trong nguyên tắc quản lý đầu tư tại DNNN, không để lặp lại tình trạng con voi chui lọt lỗ kim như trong thời gian qua trong công tác quản lý của Bộ Công thương?", ĐB chất vấn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, đối với 5 dự án thua lỗ ngàn tỷ (dự án Gang thép Thái Nguyên, sợi Đình Vũ, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học bio-ethanol Dung Quất, nhà máy đạm Ninh Bình, nhà máy bột giấy Phương Nam), tất cả đều triển khai kéo dài so với thời hạn đã phê duyệt. 

Điểm chung là các nhà máy đều rơi vào thời điểm có những biến động của thế giớ. Thị trường nhiên liệu như dầu khí, dầu thô từ mức hơn 100USD/thùng tụt còn 40USD/thùng ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi của dự án. VD Đạm Ninh Bình sản xuất phân bón khí hóa than không cạnh tranh nổi với nhà máy đạm sản xuất từ khí. Hoặc sự án Xơ sợi Đình Vũ cũng không cạnh tranh nổi với bên ngoài.

Có một số nguyên nhân chung. Thứ nhất, năng lực của chủ đầu tư mà ở đây là các tập đoàn, tổng công ty 91 đều trực tiếp thực hiện, quản lý dự án đầu tư và phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong phê duyệt thẩm định.

Bộ trưởng cũng nêu năng lực hạn chế của ban quản lý dự án cũng như các đơn vị trực tiếp phân công quản lý dự án, năng lực trong tổ chức đàm phán, ký kết các hợp đồng thực hiện các dự án này...

Phải xem xét xử lý trách nhiệm và kinh nghiệm rút ra không để xảy ra tình trạng tương tự.

Trước hết về trách nhiệm cần làm cẩn trọng, đánh giá đầy đủ theo khung pháp lý, đánh giá đúng trong từng giai đoạn cụ thể để xem xét trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước, của DN, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, của tổ chức và cá nhân.

Đồng thời làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan có sự vô tình hay cố ý. Trong đó không loại trừ có sự cố tình làm sai trong quản trị của DN, điều này sẽ được làm rõ trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm nếu có, đặc biệt là các vi phạm pháp luật, có sự cố tình làm sai chắc chắn sẽ xem xét kể cả trách nhiệm hình sự - Bộ trưởng nói.

{keywords}
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Hoàng Anh

Cần thời gian

Chưa hài lòng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, dư luận và người dân quan tâm đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đến đâu. Trách nhiệm trong quản trị DN ở đó thế nào, Bộ trưởng chưa đi vào những nội dung này. 

“Tôi rất lo ngại, khi đầu tư các  dự án tại tổng công ty 90, 91, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cho chủ trương đầu tư còn triển khai thực hiện giao cho các chủ đầu tư. Tôi thấy việc này hoàn toàn không ổn. DNNN là DN sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước, sử dụng tiền thuế của dân lại khoán trắng, buông lỏng như vậy? Trách nhiệm quản lý của cơ quan chủ quản đến đâu?”, ĐB Sinh tranh luận lại.

Tiếp tục giải đáp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc lại, tính chất đặc thù của từng dự án khác nhau nên quá trình đánh giá cụ thể để làm rõ trách nhiệm cần phải có thời gian. 

Ông cũng nêu lại việc các cơ quan thanh tra, kiểm tra đang tiến hành cũng như việc phân cấp quản lý các dự án này.

“ĐB đưa quan điểm cho rằng rất lo lắng về câu chuyện này tiếp tục tiếp diễn. Nhưng từ sau 2012, nghị định 99 được ban hành, giao trách nhiệm theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Chúng ta sẽ xem được rõ các trách nhiệm từ nay về sau của các bộ, ngành quản lý nhà nước, đặc biệt là các cơ quan chủ quản trong quản lý các DN và  quản lý các dự án đầu tư qua các DN đó”, người đứng đầu ngành công thương trấn an ĐB.

Ông cũng cho hay, đối với quản trị doanh nghiệp, đã có khuôn khổ pháp lý cụ thể. Do vậy, các dự án trên được xem xét trên khuôn khổ pháp lý để xem có làm sai hay không, do vô tình hay cố tình, sai với mục đích gì, trách nhiệm đến đâu...

“Chúng tôi xin phép ở những kỳ họp sau sẽ tiếp tục báo cáo QH”, Bộ trưởng Tuấn Anh chốt câu trả lời về các dự án tiêu tan ngàn tỷ.

Chiều nay, ĐBQH chuyển sang chất vấn các nội dung về lĩnh vực tài nguyên môi trường. Các ĐB sẽ đặt câu hỏi với việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong các dự án để xảy ra sự cố môi trường; giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu; việc quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

{keywords}
Từ trái qua phải: Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Lê Vĩnh Tân, Trần Hồng Hà, Phùng Xuân Nhạ

Ngoài Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đăng đàn, các bộ trưởng: NN&PTNT, Công an, Xây dựng, VH-TT-DL cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng tham gia trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình.

Ngày mai, các ĐB sẽ chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Các bộ trưởng sẵn sàng "chia lửa" với ông gồm Bộ trưởng Tài chính, LĐ-TB-XH, KH-CN. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ trả lời về những nội dung thuộc trách nhiệm của mình.

Chiều mai, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ đăng đàn. Bộ trưởng KH-ĐT, Tài chính, Công thương... cùng tham gia trả lời.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình.

Sáng 17/11, kết thúc phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời các nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong 2 ngày trước đó.

VietNamNet sẽ tường thuật trực tiếp 2 ngày rưỡi chất vấn.

Thu Hằng