Điểm du lịch Hòn Khô, xã Nhơn Hải đang thu hút một lượng lớn du khách đổ về khám phá và trải nghiệm lặn ngắm san hô. Thống kê của UBND tỉnh, lượt khách đến Nhơn Hải dịp lễ 30/4 là 7.000 lượt. Lợi dụng việc này, nhiều nhà bè nổi “mọc lên” kinh doanh trái phép.

Các nhà hàng nổi hoạt động ở Hòn Khô, xã Nhơn Hải. Ảnh: Diễm Phúc

Mới đây, nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn giao cho Sở Du lịch, Sở TN&MT và UBND TP Quy Nhơn phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý kinh doanh dịch vụ vui chơi, ăn uống (các nhà hàng nổi, bè nổi, khu vui chơi dưới nước, lặn ngắm san hô…) chiếm dụng mặt nước, xả thải gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến tài nguyên, môi trường biển...

Theo ghi nhận, các bè nổi này có diện tích gần trăm mét vuông, được người dân sử dụng phao nổi, dựng ván gỗ, mái lợp tôn. Các nhà bè nổi này chủ yếu phục vụ kinh doanh hải sản. Một số nhà bè còn có cả cầu phao nối vào bờ Hòn Khô.

Bên cạnh đó, một số bè cũng hoạt động dịch vụ cho khách dừng chân lặn ngắm san hô. Điều đáng nói là các nhà bè nổi này hoạt động gần khu vực bảo vệ rạn san hô do Tổ cộng đồng xã Nhơn Hải bảo vệ. Việc ăn uống, xả thải tác động không nhỏ đến tài nguyên, môi trường biển.

UBND tỉnh cho biết, đến nay đã đình chỉ hoạt động 43 nhà hàng nổi, bè nổi (xã Nhơn Hải 11 bè, Nhơn Lý 31 bè, phường Hải Cảng 1 bè) và các phương tiện thuỷ nội địa không đủ điều kiện hoạt động.

Sẽ cưỡng chế các bè nổi không thực hiện cam kết 

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải cho biết, các bè nổi này là do người dân hoạt động tự phát. UBND tỉnh Bình Định và TP Quy Nhơn đã có yêu cầu chấm dứt các hoạt động kinh doanh của nhà bè nổi tự phát tại điểm du lịch Hòn Khô, UBND xã đã nhiều lần vận động, tuyên truyền bà con nhưng vì sinh kế bà con vẫn cố tình hoạt động.

“Chúng tôi vận động bà con chuyển đổi theo hướng lặn ngắm, tắm biển, vui chơi dưới nước chứ không được hoạt động trên bè nữa. Hiện nay chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục lập biên bản đình chỉ, cho bà con ký cam kết.

Cái vướng là vấn đề tạm giữ khi tịch thu bè nổi. Chúng tôi đang cùng với các ngành chức năng bàn cách xử lý. Khi có điểm tạm giữ, chúng tôi sẽ tiến hành cưỡng chế các bè nổi không thực hiện cam kết”, ông Nguyễn Ngọc Nam nói.

Xã Nhơn Lý hiện nay có 31 bè nổi hoạt động ở các vùng bãi Dứa, Hòn Sẹo. Ảnh: Diễm Phúc

Không chỉ ở Nhơn Hải, tại các vùng bãi Dứa, Hòn Sẹo xã Nhơn Lý hiện có 31 bè nổi được người dân đầu tư tương đối kiên cố để khách du lịch có thể dừng chân nghỉ ngơi trên bè trước khi xuống biển lặn ngắm san hô.

Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, địa phương đang gặp những khó khăn, bất cập vướng mắc trong việc đình chỉ phương tiện bè nổi này.

Ông Danh cho hay, 31 bè nổi này chủ yếu phục vụ chức năng điểm dừng chân khi cano đưa đón khách du lịch đến để lặn ngắm san hô.

Các bè nổi này nằm ngoài khu vực rạn san hô dưới sự quản lý, giám sát của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nhơn Lý. Du lịch biển đảo cộng đồng Nhơn Lý trong những năm qua phát triển khá tốt. Lượng khách du lịch hằng năm đông và ổn định đã đem lại những lợi ích và thu nhập rất lớn cho cộng đồng.

“Chủ trương đình chỉ bè nổi đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sinh kế du lịch của cộng đồng tại khu vực này cũng như hoạt động du lịch của Nhơn Lý thời gian đến. UBND xã Nhơn Lý đã làm báo cáo UBND TP Quy Nhơn xem xét, kiến nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét lại việc đình chỉ phương tiện bè nổi tại khu vực này”, ông Danh cho hay.

Diễm Phúc