Lời tòa soạn:

Với những doanh nghiệp luôn xem người lao động là vốn quý, Tết cũng là dịp để thể hiện sự quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần nhằm giữ chân công nhân. Tết Nguyên đán 2024, theo ghi nhận, doanh nghiệp nào "ăn nên làm ra", công nhân được lo đầy đủ tiền thưởng, còn nơi khó khăn cũng đã cố gắng tặng quà Tết.

Lương thưởng Tết thấp hơn năm trước

Liên quan đến vấn đề thưởng Tết cho người lao động, trao đổi với VietNamNet, ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, qua nắm bắt tình hình thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp dù rất quan tâm đến đời sống của người lao động, nhưng do tình hình kinh tế khó khăn, kế hoạch sản xuất kinh doanh không được như mong đợi nên lương thưởng Tết thấp hơn năm trước.

Thực tế có doanh nghiệp muốn thưởng, nhưng “lực bất tòng tâm” vì không biết huy động nguồn tiền ở đâu. "Có doanh nghiệp phải gắng gượng, chấp nhận đi vay ngân hàng để có nguồn thưởng Tết", ông Anh ngậm ngùi chia sẻ.

Ông Phan Anh.jpg
Ông Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, để doanh nghiệp có chính sách lương, thưởng tốt cho người lao động thì không có cách nào khác là hoạt động sản xuất phải tốt dần lên.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, cả doanh nghiệp và người lao động đều hiểu, muốn thưởng Tết cao thì phải có việc làm ổn định. Do vậy doanh nghiệp cũng nỗ lực xoay xở để có thêm việc làm nên quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp rất tốt.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, năm nay thưởng Tết là "bài toán khó" đối với các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày. Thế nhưng, dù các doanh nghiệp khó khăn, kinh doanh lỗ nặng thì vẫn cố gắng bố trí nguồn thưởng, để duy trì hoạt động.

Với mức lương công nhân may từ 8-10 triệu đồng/tháng, thưởng Tết năm nay dao động từ 4-10 triệu đồng/người. Trong đó, những doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, có nhiều đơn hàng xuất khẩu, mức thưởng cao hơn 1 tháng lương, còn lại đa số là 1 tháng lương cơ bản. Thậm chí, có doanh nghiệp khó khăn chỉ nửa tháng, nhưng số này không nhiều.

Ông Hồng cho hay, dù tình hình khó khăn nhưng quan hệ lao động ngành dệt may, da giày đều rất tốt. Người lao động sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp, không quản ngại làm tăng ca để kịp khi có các đơn hàng xuất khẩu. 

"Cả người lao động và doanh nghiệp đều hiểu rằng, chỉ khi có thêm việc làm thì lương, thưởng mới có thể tăng lên. Nên trong lúc khó khăn, cả hai bên đều rất chia sẻ", ông Hồng nhìn nhận.

Hơn 6.150 tỷ đồng hỗ trợ lao động khó khăn đón Tết 

Ông Phan Văn Anh thông tin thêm, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham mưu với Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho hơn 30.000 lao động đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ 1,3 triệu đồng/người. Dù mức hỗ trợ này không thật sự lớn nhưng phần nào giúp người lao động an tâm đón Tết.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng hỗ trợ vé máy bay, vé tàu cho hơn 2.000 công nhân đặc biệt khó khăn có nhu cầu về quê ăn Tết.

ava- anh ava.jpg
Nhiều người lao động khó khăn do lương, thưởng Tết thấp. (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng)

Liên đoàn Lao động cơ sở tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cũng đều bố trí nguồn lực tổ chức tàu xe đưa đón lao động khó khăn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất về đón Tết cùng gia đình.

Đặc biệt, công đoàn còn tham mưu với Nhà nước tặng 1,1 triệu lao động có hoàn cảnh khó khăn mức 500 nghìn đồng/người; hỗ trợ người lao động tham gia "Chợ Tết Công đoàn" và được mua một số mặt hàng thiết yếu với giá 0 đồng…

Tổng số tiền hỗ trợ từ nguồn lực kinh phí của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho người lao động khoảng trên 6.150 tỷ đồng.

Kỳ vọng sớm phục hồi để tăng lương, tăng thưởng

Theo ông Phạm Xuân Hồng, năm 2024 dự báo ngành dệt may vẫn còn đối diện nhiều thách thức khi tình hình thế giới chưa ổn định, tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, tín hiệu mừng là thị trường nội địa đang phục hồi khá tốt, cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp.

Báo cáo của Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy, nếu như năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD thì sang đến năm 2023 chỉ đạt khoảng 40,3 tỷ USD (giảm 10%). Ngoài việc đơn hàng sụt giảm, đơn giá sản xuất cũng giảm bình quân 30%, thậm chí có một đơn hàng giảm đến 50%.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS kỳ vọng năm 2024 thị trường sẽ ấm dần và phục hồi vì nhu cầu mua sắm quay trở lại. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trong năm 2024 đặt mục tiêu 44 tỷ USD, tăng hơn 9% so với năm qua.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, năm 2023, các ngành như công nghiệp, thương mại, dịch vụ đang giảm việc làm, giảm đơn hàng, kéo theo giảm doanh thu, giảm thu nhập, lương thưởng cho người lao động.

Trước tình hình đó, VCCI đã kiến nghị các ngành chức năng có chính sách cụ thể để hỗ trợ như: Miễn giảm, giãn thuế; chính sách lãi suất ngân hàng; hỗ trợ kinh doanh... để doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn.

Phó Chủ tịch VCCI cũng kỳ vọng sang năm 2024, tình hình kinh tế sẽ khởi sắc hơn, các điều kiện việc làm được cải thiện, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng, hoạt động kinh doanh có lãi để có thể tăng lương, thưởng Tết cho người lao động.

Xem thêm các bài viết liên quan: