Với những doanh nghiệp luôn xem người lao động là vốn quý, Tết cũng là dịp để thể hiện sự quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần nhằm giữ chân công nhân. Tết Nguyên đán 2024, theo ghi nhận, doanh nghiệp nào "ăn nên làm ra", công nhân được lo đầy đủ tiền thưởng, còn nơi khó khăn cũng đã cố gắng tặng quà Tết.
Ít việc nên thưởng Tết thấp
Chị Lê Thị Quỳnh làm việc cho một công ty điện tử ở khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết, năm nay do công ty thiếu đơn hàng nên công nhân không có nhiều việc như các năm trước.
Trong bối cảnh đó, để tránh phải sa thải công nhân, công ty đã đưa ra chính sách khuyến khích người lao động nghỉ việc nhận 50% lương. Do đó, tiền lương và thưởng Tết năm nay giảm đáng kể.
"Năm ngoái, có việc làm ổn định nên cuối năm chúng tôi nhận thêm được 10 triệu đồng thưởng Tết. Năm nay việc ít, thu nhập giảm, công ty khó khăn nên thưởng Tết dự kiến giảm không được 50% so với năm trước”, chị Quỳnh chia sẻ.
Tuy nhiên, chị Quỳnh cũng bày tỏ: "Dù thưởng Tết thấp, nhưng trong bối cảnh khó khăn thiếu đơn hàng, công ty vẫn cố gắng duy trì việc làm, trả lương thưởng, không sa thải công nhân cũng là nỗ lực không nhỏ, rất đáng ghi nhận. Mong năm mới công việc thuận lợi, lương thưởng sẽ tăng ".
Một trong những ngành nghề được đánh giá có thưởng Tết thấp là dệt may. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, mức thưởng Tết năm 2024 của ngành so với năm trước giảm 30-40%, thậm chí có đơn vị không có thưởng. Đây thực sự là điều rất chua xót với người lao động.
Qua khảo sát đánh giá của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, tình hình lương thưởng Tết năm nay rất nhiều khó khăn, một bộ phận người lao động khó được nhận thưởng, hoặc nhận mức thưởng Tết rất thấp.
Cũng theo đánh giá của các chuyên gia, mức thưởng Tết năm nay so với năm 2023 giảm từ 10-20% tùy theo từng ngành và có nhiều doanh nghiệp không có thưởng Tết. Tình trạng nợ lương có nhưng không nhiều.
Thưởng cao mới có tiền về quê vui xuân
Mặc dù thưởng Tết năm nay được đánh giá giảm so với năm trước, nhưng thực tế vẫn có nhiều doanh nghiệp thưởng cho người lao động với mức khá cao, đa số là những người ở vị trí quản lý ở nơi có quy mô sản xuất lớn.
Chị Vũ Thị Xuyên làm quản lý cho một công ty giày da của Đài Loan tại TP.HCM cho biết, năm 2023 công ty liên tục nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu, nên hầu như cả năm công nhân trong công ty đều phải tăng ca để sản xuất cho kịp.
Việc làm nhiều, tăng ca liên tục nên mức lương và thưởng Tết năm nay cũng cao hơn năm trước. Theo thông báo từ công ty, chị Xuyên được nhận mức thưởng Tết theo hệ số 1,9 tháng thu nhập- tính ra được khoảng 30 triệu đồng.
Chị Xuyên chia sẻ, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng năm qua thu nhập hàng tháng ổn định, thưởng Tết cũng tương đối nên vợ chồng chị quyết định đặt vé máy bay để cả gia đình về quê Thanh Hóa đón Tết với gia đình.
Chị Đặng Minh, một cán bộ quản lý của công ty chuyên sản xuất thiết bị điện của Nhật Bản tại Hà Nội cho biết, sau dịch bệnh Covid-19 công ty của chị nhận được nhiều đơn hàng sản xuất tại Việt Nam nên công nhân phải làm tăng ca suốt từ đầu năm cho đến những ngày cận Tết.
Công việc ổn định, mức lương đãi ngộ hàng tháng cao nên năm nay những người ở cấp trưởng phòng như chị Minh được nhận mức thưởng Tết khá hậu hĩnh.
“Công ty chưa công bố cụ thể, nhưng theo kế hoạch cấp trưởng phòng sẽ được nhận thưởng Tết tương đương 8-9 tháng thu nhập, tính ra khoảng hơn 400 triệu đồng. Đây là khoản tiền dư giả để sắm Tết, về quê, du xuân”, chị Minh vui vẻ nói.
Theo một lãnh đạo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, việc thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc, nhưng qua đó thể hiện trách nhiệm tri ân của doanh nghiệp đối với người lao động. Khi kết quả sản xuất kinh doanh tốt, doanh nghiệp thưởng lớn sẽ khích lệ, động viên người lao động cống hiến cho sự phát triển chung của doanh nghiệp. Trái lại, khi doanh nghiệp khó khăn, thưởng Tết thấp người lao động và doanh nghiệp cùng chia sẻ để vượt qua khó khăn.
Kỳ cuối: Thưởng Tết thấp, doanh nghiệp và người lao động chia sẻ để vượt qua khó khăn