Đây không phải là lần đầu anh Bình (hiện sống ở TPHCM) tới châu Âu. Cách đây khoảng 20 năm, anh từng là du học sinh ở châu lục này.
Sau này, anh cũng có một vài lần quay lại công tác ở Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Italia, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, những lần trước, anh chủ yếu đi khu vực Tây Âu và “check in” ở các thành phố lớn. Chuyến đi 3 tháng vào mùa hè năm nay giúp anh khám phá thêm nhiều vùng đất khác, những cảnh đẹp thiên nhiên và văn hóa địa phương.
“Việc đi nhiều điểm trong một chuyến sẽ giúp mình có cái nhìn toàn cảnh hơn về 'lục địa già', đồng thời chi phí sẽ tiết kiệm hơn so với mỗi năm đi 1 lần. Chi phí để làm visa và mua vé máy bay từ Việt Nam sang châu Âu không hề rẻ”, anh giải thích.
“Thành thực mà nói, trong 2 tháng đầu tiên, 2 vợ chồng rất háo hức và khỏe mạnh, ngày nào cũng vui vẻ đi thăm thú các nơi.
Sang tháng thứ 3, bọn mình bắt đầu mệt nhưng không hề chán vì mình biết rõ trong tháng thứ 3 mình sẽ làm gì, sẽ du lịch vùng nào, sẽ có những khác biệt như thế nào so với những vùng mình đã đi qua.
Và sự thật đã chứng minh, khi mình đến vùng đất mới là lại có những cảm xúc mới. Những cảm xúc đó thúc đẩy mình tiếp tục tò mò, tiếp tục bước đi để ‘check in’”.
Theo đồng hồ định vị, trong 90 ngày, anh đã bước đi 1,34 triệu bước chân, tương đương 1.028km, trung bình mỗi ngày đi bộ 11,42km.
Chỉ có duy nhất 1 ngày trong hành trình 90 ngày vợ chồng anh không làm gì cả. Đó là ngày cặp đôi đến nhà bạn vào một ngày mưa dầm dề, nên cả ngày chỉ ăn, ngủ để lấy lại sức sau chuỗi ngày di chuyển dài.
Châu Âu đẹp nhưng không chỉ có màu hồng
“Châu Âu trong mắt tôi luôn là một nơi đáng sống, đẹp và có nhiều điểm học hỏi” – anh Bình nhận định.
Theo quan sát của anh, ngoài những công trình xây dựng được duy tu, bảo tồn rất tốt như nhà thờ, tòa thị chính ở mỗi thành phố thì châu Âu còn có những cảnh thiên nhiên đẹp đến sững sờ như vịnh hẹp ở Bergen (Na Uy), Vườn quốc gia Plitvice của Croatia, hang động dài nhất châu Âu Postojna của Slovenia, vùng núi Dolomite của Italia, Interlaken của Thụy Sĩ trong bộ phim Hạ cánh nơi anh,…
Nếu như trước đây, anh chỉ biết đến châu Âu qua một vài nước Tây Âu hiện đại và giàu có với những tòa nhà cổ nguy nga, tráng lệ thì trong chuyến đi này, anh được thăm thú những điểm đến với khung cảnh thiên nhiên rất đẹp. Mỗi vùng đất đều mang lại cho anh những cảm nhận riêng.
“Ví dụ, Bắc Âu lạnh và đắt hơn các vùng khác khá nhiều. Vùng Nam Âu như Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bị ảnh hưởng nhiều bởi Hồi giáo nên phong cảnh và công trình kiến trúc cũng khác hoàn toàn. Người dân khu vực Baltic khá lạnh lùng,...”.
Anh Bình cho biết, thành phố mà anh thích nhất là Cortina d’Ampezzo của Italia. “Chưa nhiều người Việt tới đây vì đắt đỏ và ít công trình để chụp ảnh. Thiên nhiên ở đây đẹp, dành cho những người thích ngắm cảnh, nghỉ ngơi hay dân leo núi”.
Trong thời gian ở đây, anh đã leo 3 ngọn núi khác nhau là Tre Cime, Lake Sorapis và Cinque Torri. “Sẽ rất khó để diễn tả vẻ đẹp của vùng núi này nhưng nó thực sự khác biệt so với những cung đường leo núi mình đã đi ở Việt Nam”.
Tuy nhiên, với anh, châu Âu không phải chỉ toàn màu hồng. “Số lượng người vô gia cư ngày càng nhiều, giá cả quá đắt đỏ ở một số nước như Bắc Âu hay Thụy Sĩ, nạn trộm cắp ở những thành phố lớn như Barcelona (Tây Ban Nha), Roma (Italia), Paris (Pháp) khiến cho châu Âu trở nên xám hơn so với trước đây.
Nhưng xét về yếu tố an toàn, phương tiện đi lại công cộng, công trình kiến trúc, cảnh đẹp thiên nhiên thì châu Âu vẫn được đánh giá rất cao”.
90 ngày cho 53 thành phố
90 ngày cho 53 thành phố - nghe con số thì lớn nhưng anh Bình tự tin cho rằng cách trải nghiệm của vợ chồng anh có thể nói là sâu sắc, hay còn gọi là du lịch “slow” (chậm).
Với các thành phố lớn, anh đều ở lại 3-4 đêm để khám phá. Với những thành phố nhỏ, anh dành 1 ngày 1 đêm để tham quan.
“Các nước như Bỉ, Thụy Sĩ, Hà Lan rất nhỏ, các thành phố lại rất gần nhau, phương tiện đi lại thuận lợi nên 1 ngày có thể đi tàu qua tham quan 2 - 3 thành phố khác nhau là chuyện bình thường”.
Anh chia sẻ, nếu nhìn vào lộ trình và số đêm anh ở lại mỗi thành phố thì đây có thể là một trong những chuyến đi du lịch chậm để trải nghiệm.
“Có những ngày mình chỉ tham quan duy nhất 1 điểm, ví dụ như: 3 ngày leo núi ở Dolomite, ngày đi tham quan trại tập trung Đức quốc xã Auschwitz, mỏ muối Wieliczka ở Balan, lên đỉnh nóc nhà châu Âu Jungfraujoch ở Thụy Sĩ, Vườn quốc gia Plitvice ở Croatia…
Mức chi phí 742 triệu đồng dành cho 2 người trong 3 tháng du lịch châu Âu được anh Bình đánh giá là trung bình so với mặt bằng chung. Tổng chi phí này gồm có: Visa, bảo hiểm 11 triệu; ăn uống 139 triệu; khách sạn 233 triệu; đi lại 163 triệu; tham quan 47 triệu và mua sắm 149 triệu.
“Nhà mình thường ở khách sạn 3 - 4 sao, sử dụng phương tiện công cộng, trung bình 1 tuần ăn nhà hàng 3 - 4 lần và tự chụp hình cho nhau. Mình đánh giá chi phí này ở mức trung bình và nằm trong dự tính vì mình từng có nhiều kinh nghiệm đi du lịch và lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi”.
Theo anh, những người đi du lịch châu Âu thường phải có điều kiện kinh tế một chút nên việc tiết kiệm chi phí không phải là vấn đề quan trọng nhất với những tour này. Tuy nhiên, nếu muốn tiết kiệm vẫn có nhiều cách, ví dụ như ở hostel (nhà nghỉ), không ăn nhà hàng.
“Bạn có thể đi siêu thị mua đồ ăn. Giá đồ ăn trong siêu thị ở châu Âu cũng không đắt hơn ở Việt Nam. Ngoài ra, bạn nên sử dụng phương tiện công cộng thay cho taxi, tham gia những tour tham quan thành phố giá 0 đồng, ăn nhờ ở nhà người quen, di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác bằng xe buýt...
Nếu đi dài ngày, bạn có thể mua gói vé tàu Eurail Pass với nhiều lựa chọn: 3 ngày, 7 ngày, 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng”.
Ngoài những trải nghiệm quý giá trong chuyến đi, anh Bình còn chia sẻ một thành tích mà anh rất tự hào, đó là viết được 110 nghìn chữ - tương đương một cuốn sách 250 trang – kể về hành trình mỗi ngày ở các điểm tham quan.
“Sẽ không thể kể hết những điều thu lượm được từ chuyến đi này nhưng mình rất thích một câu có thể áp dụng cho tất cả dân du lịch, đó là ‘cứ đi rồi sẽ đến’. Hy vọng các bạn sắp du lịch châu Âu sẽ có những chuyến đi thành công tốt đẹp, khỏe mạnh và bình an giống như nhà mình”.
Ảnh và video: Nhân vật cung cấp