Hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đã mang lại những thành tựu đáng khích lệ. Giờ đây, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng kèm theo không ít thách thức và nguy cơ. Thực tế đòi hỏi chúng ta phải có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm nhiệm vụ để thích ứng với bối cảnh phát triển mới của đất nước.

Bồi dưỡng cán bộ ở các nước tiên tiến là cách làm khôn ngoan để nâng cao năng lực cán bộ. Ảnh minh họa

Rất kịp thời, mới đây, Đảng ban hành kết luận 39 về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, tập trung ở các lĩnh vực như: tổ chức bộ máy, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; chính sách phát triển bền vững, kinh tế; xây dựng pháp luật và hoạt động tư pháp; kỹ năng lãnh đạo, quản lý.

Đặc biệt, kết luận 39 đề cập tới việc bồi dưỡng cán bộ về khoa học công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây rõ ràng là chủ trương rất đúng và trúng. Bởi lẽ, bồi dưỡng cán bộ ở các nước tiên tiến là cách làm khôn ngoan để nâng cao năng lực cán bộ, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của đất nước. Nhìn ra thế giới, cách làm này đã được các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… thực hiện từ lâu và gặt hái rất nhiều lợi ích.

Tụt hậu nếu không đủ năng lực

Kết luận 39 nhấn mạnh việc bồi dưỡng cán bộ khoa học công nghệ là hết sức sáng suốt. Bởi lẽ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra rất mạnh mẽ, mở ra cơ hội để phát triển bứt phá bắt kịp các nước phát triển nhưng cũng tạo ra những thách thức, nguy cơ vô cùng to lớn có thể đẩy chúng ta tụt hậu xa hơn với thế giới nếu không đủ năng lực thích ứng.

Bồi dưỡng để có được đội ngũ cán bộ tài năng, chuyên nghiệp và tinh nhuệ, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ, không chỉ có tầm nhìn và năng lực hoạt động ở địa phương, quốc gia mà cần có tầm nhìn và năng lực hoạt động ở tầm khu vực và toàn cầu. Do vậy, một là, đội ngũ này phải giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, thông hiểu thông lệ quốc tế, thành thạo các kỹ năng đàm phán và thuyết trình quốc tế để hợp tác, làm việc hiệu quả với các tổ chức quốc tế, đối tác nước ngoài nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho đất nước…

Hai là, tuyển chọn kỹ lưỡng cả về trình độ tiếng Anh và năng lực chuyên môn để có được ứng viên chất lượng, bởi lẽ, thời gian bồi dưỡng rất ngắn, khóa ngắn hạn chỉ có 2 tuần, trung hạn cũng chỉ là 3 tháng. Để có thể nhập cuộc, bắt nhịp được ngay, người học phải thành thạo tiếng Anh và có nền tảng chuyên môn vững. Chuyên môn có thể thành lập hội đồng xét tuyển nhưng tốt nhất là thi tuyển cạnh tranh.

Nhưng, với giới hạn đối tượng như quy định hiện nay thì khó có thể tuyển đủ ứng viên chất lượng, do đó nên mở rộng phạm vi. Chẳng hạn, thêm đối tượng thuộc diện được quy hoạch vào các chức danh đó. Như vậy, cơ hội lựa chọn được các ứng viên chất lượng sẽ cao hơn. Hơn nữa, theo lẽ thường thì những người thuộc diện quy hoạch có nhiều “động lực” để được đi bồi dưỡng nâng cao trình độ hơn vì gia tăng cơ hội được bổ nhiệm.

Ba là, cần có chế độ thưởng phạt nghiêm minh, kế hoạch sử dụng rõ ràng và công bố ngay từ đầu cho các ứng viên biết, ban thưởng xứng đáng với những người đạt thành tích cao trong học tập, có chế tài với người không hoàn thành nhiệm vụ.

Lực lượng cho tương lai

Bốn là, không nên dừng lại ở hình thức bồi dưỡng ngắn hạn, trung hạn đáp ứng yêu cầu trước mắt mà cần chuẩn bị lực lượng cán bộ sẵn sàng cho tương lai. Chúng ta cần bổ sung hình thức đào tạo dài hạn có bằng cấp ở lĩnh vực công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật, điện toán đám mây, blockchain, công nghệ tài chính, người máy tiên tiến…

Vị vua cải trang làm thợ ở Hà Lan để học đóng tàuVị vua cải trang làm thợ ở Hà Lan để học đóng tàuXem ngay

Những công nghệ then chốt này có tiềm năng to lớn, tạo ra giá trị kinh tế, là cơ sở cho sự bùng nổ của nền kinh tế số ở nước ta. Bởi vậy, chúng ta cần đào tạo ở các nước tiên tiến để có được đội ngũ chuyên gia tầm quốc tế trong những lĩnh vực này.

Đội ngũ chuyên gia nòng cốt ấy sẽ đảm nhiệm nghiên cứu, hoạch định chiến lược để Việt Nam làm chủ và tiên phong trong phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giải các bài toán quốc gia và toàn cầu; Kết nối và xây dựng mạng lưới trí tuệ toàn cầu vì một Việt Nam hùng cường trong thời đại 4.0; Thu thập, cập nhật thông tin mới nhất về sự phát triển và ứng dụng của các công nghệ tiên tiến...

Chúng ta cần tuyển chọn kỹ lưỡng trên phạm vi rộng nhất có thể để có được các ứng viên xuất sắc nhất, cử đi học tập và làm việc ở các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới. 

Các ứng viên này không chỉ đáp ứng về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, am hiểu sâu sắc về các công nghệ tiên tiến mà còn cần đáp ứng về năng lực lãnh đạo, quản lý, có tầm nhìn và năng lực hoạt động ở toàn cầu. Đặc biệt, cần có những phẩm chất như tinh thần đổi mới sáng tạo, đau đáu trong suy nghĩ, quyết đoán trong hành động, cháy bỏng khát vọng dân tộc, dám nghĩ dám làm, dám hành động đột phá, quả cảm tiên phong theo dòng chảy thời đại… Khát vọng học tập thành tài để đem cái tài, sở trường của mình góp phần đưa đất nước cất cánh, làm nên kỳ tích sông Hồng trong thời đại 4.0…

Việt Nam đang đứng trước vận hội phát triển mới, đòi hỏi có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thực tài, để hợp tác và làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế, có thể kết nối và khai thác hiệu quả tri thức toàn cầu, đưa đất nước phát triển bứt phá, bắt kịp các nước phát triển trong thời đại 4.0.

Minh Trị Thiên Hoàng với quyết tâm canh tân nước Nhật, học bên ngoài để vươn lênMinh Trị Thiên Hoàng (1852-1912) trị vì từ năm 1867 cho đến khi qua đời. Ông được coi là một minh quân có công lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản.