Trong không gian cổ kính của Quốc Tử Giám (Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế), lễ khai mạc Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 2 diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều người đến tham dự.

Chiều 21/4, tại TP Huế, Bộ TT&TT phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ, ngành và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cùng tham dự sự kiện này.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cùng ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tham dự Lễ khai mạc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, nhằm khẳng định vai trò của sách và đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. 

Năm 2021, trước yêu cầu mới, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg đưa ngày này thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Đa dạng các gian hàng sách tại Lễ khai mạc.

Những năm qua, các bộ, ngành, địa phương, nhà xuất bản, đơn vị phát hành, thư viện, doanh nghiệp và nhiều cá nhân đã nhiệt tình hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, làm cho ngành xuất bản có bước phát triển nhanh, văn hóa đọc được khôi phục. 

Nhiều tựa sách hấp dẫn xuất hiện tại gian trưng bày.

Phong trào đọc sách, tặng sách diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, góp phần thực hiện nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là 'nền tảng tinh thần', 'động lực phát triển' và 'soi đường cho quốc dân đi'; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”.  

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy tặng hoa cho 8 cơ quan báo chí. Ảnh: Đình Thành

“Sự kết hợp hài hòa giữa những nét văn hóa truyền thống cùng yếu tố hiện đại là một cách để chúng ta tôn vinh sách và khẳng định vai trò trung tâm của văn hóa đọc trong đời sống văn hóa. Tôi tin tưởng rằng, các chuỗi hoạt động và sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai được tổ chức hôm nay và trong những ngày tới tại thành phố Huế cũng như khắp mọi miền Tổ quốc thực sự phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống tôn vinh sách và những người làm sách, phát triển phong trào đọc sách”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng Bộ trưởng Bộ TT&TT tham quan khu trưng bày các ấn phẩm sách giới thiệu về Huế.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng đề nghị, Bộ TT&TT quan tâm xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị xuất bản phát triển theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa; Bộ VH-TT&DL tập trung đẩy mạnh văn hóa đọc, đưa sách vào cộng đồng; các bộ, ngành, địa phương tích cực lồng ghép văn hóa đọc trong tất cả phong trào như xây dựng văn hóa, khuyến học... Tiếp tục tạo môi trường khuyến khích mọi người tham gia viết sách, đọc sách để có nhiều tác phẩm tốt, làm phong phú thêm nguồn sách; tôn vinh các tác giả, văn nghệ sĩ, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến với mọi người, mọi nhà.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, gốc của sách là tri thức, mà tri thức là sức mạnh của mỗi con người, cũng là sức mạnh của cả một quốc gia, một dân tộc. Gốc để phát triển sách, phát triển xuất bản là sách phải có nhiều người đọc, tức là có thị trường lớn. Muốn vậy, phải thực hiện khuyến đọc. 

Những việc phải làm là khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách ở gia đình, trường học, cơ quan; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Các thông điệp chính của Ngày Sách và Văn hoá đọc năm nay là Sách: nhận thức - đổi mới - sáng tạo; Sách cho tôi, sách cho bạn; Thời đại mới đòi hỏi phải có nhận thức mới, cách làm mới.

Đổi mới trong nhận thức, đổi mới trong sáng tạo, đổi mới trong phương thức xuất bản, đổi mới trong cách tiếp cận bạn đọc để sách vẫn là sách, nhưng đa dạng hình tướng, đến được hàng triệu người, để xuất bản phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng dân tộc hoá nhưng vẫn phải hiện đại hoá bằng công nghệ số, vẫn phải đại chúng hoá thông qua đa nền tảng số.

Đoàn công tác nghe giới thiệu về tác phẩm Dư địa chí của vua Minh Mạng.

“Nhân dịp này, tôi đề nghị các nhà xuất bản, các Sở TT&TT, các cơ quan báo chí, truyền thông, nhà mạng viễn thông có nhiều hoạt động thiết thực để phát triển văn hoá đọc nước nhà. Các nhà xuất bản tạo ra những phiên bản sách đa nền tảng. Các Sở tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng. Các báo đài có chuyên mục về sách. Các nhà mạng nhắn tin miễn phí giới thiệu sách”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo kế hoạch, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023 diễn ra tại thành phố Huế từ 21 đến 25/4 với nhiều chương trình, hoạt động sôi nổi như: Tọa đàm giới thiệu sách Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong tiến trình đổi mới xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc; giao lưu khám phá Đất nước gấm hoa và cảnh Việt trong văn chương; giới thiệu tác giả, tác phẩm của Huế và viết về Huế; tọa đàm Dư luận nữ quyền tại Huế xưa và nay

Bên cạnh đó, các đơn vị xuất bản cũng có nhiều chương trình khuyến mãi, tri ân khách hàng, giá ưu đãi giờ vàng…