Thời gian qua, TP.HCM đã tăng cường đưa sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) vào các hoạt động quảng bá của ngành du lịch. Đây là cơ hội vừa giới thiệu sản phẩm vừa hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn tại các huyện nông thôn mới ở TP.HCM.

Tại những tuần lễ giao lưu văn hoá, thương mại được tổ chức tại TP.HCM, người ta dễ dàng bắt gặp các quầy sản phẩm như bột rau sấy lạnh, mật dừa nước, xoài cát Cần Giờ… Với lợi thế là điểm đến nổi tiếng của khách du lịch trong và ngoài nước, TP.HCM thuận lợi quảng bá sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. 

Nhiều chương trình du lịch lớn như Ngày hội Du lịch TP, Hội chợ Du lịch quốc tế, các chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh thành đều có sự xuất hiện của các sản phẩm OCOP TP.HCM. 

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, sản phẩm OCOP không chỉ là sản vật địa phương mà còn chứa đựng văn hóa vùng miền. Do vậy, sản phẩm OCOP sẽ giúp địa phương phát triển về du lịch, đặc biệt là với loại hình du lịch trải nghiệm sản xuất nông nghiệp.

mat ong ocop.png
Mật ong của một công ty tại TP.HCM được công nhận là sản phẩm OCOP. 

Ông Hiệp nhấn mạnh TP.HCM sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, các tổ chức kinh tế xã hội thấy được lợi ích, giá trị kinh tế khi tham gia và thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng phát động phong trào khởi nghiệp du lịch nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm tại nông thôn để người dân địa phương có thể học tập và nhân rộng.

Tại 5 huyện nông thôn mới, TP.HCM sẽ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đến các điểm du lịch, gắn kết tour, tuyến du lịch hiện có với các địa điểm sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP của địa phương.

Theo ông Hiệp, chương trình mỗi xã một sản phẩm có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế xã hội, khi triển khai thành công sẽ giúp nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đồng thời, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới.

Trước đây, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 28/1/2019 về phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn vùng nông thôn TP.HCM đến năm 2020. Cuối năm 2021, TP.HCM đã đánh giá, và có quyết định phân hạng đối với 28 sản phẩm, trong đó có 27 sản phẩm đạt 3 – 4 sao; 1 sản phẩm trình Trung ương xem xét, đánh giá đạt 5 sao.

TP.HCM tiếp tục ban hành Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 8/6/2022 về phê duyệt Đề án OCOP trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, mở rộng phạm vi thực hiện Chương trình OCOP trên phạm vi toàn thành phố (thay vì chỉ 5 huyện nông thôn mới như giai đoạn trước); mở rộng lĩnh vực đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (bao gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm – nội thất – trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch).

Từ đó, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được tham gia đánh giá OCOP, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến có thế mạnh của TP.HCM đang tập trung nhiều ở Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và TP. Thủ Đức.

Tháng 6/2023, TP.HCM đã công bố và trao quyết định công nhận sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.HCM năm 2022 cho 11 chủ thể với 39 sản phẩm, trong đó 15 sản phẩm 4 sao, 24 sản phẩm 3 sao.

Đến ngày 27/10, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM đã tổ chức tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023 với sự tham gia của các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ và phía Bắc.

Chương trình nhằm hỗ trợ giới thiệu, quảng bá xúc tiến thương mại và thúc đẩy kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vùng, miền với doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng trên địa bàn TP.HCM và khách quốc tế.

Theo Ban tổ chức, Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng miền năm 2023 có 439 doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu gần 1.200 sản phẩm, bao gồm  716 sản phẩm OCOP đạt từ 3-5 sao. TP.HCM có 20 doanh nghiệp, chủ thể OCOP với 80 sản phẩm. 

Anh Thư