Nhằm tạo điều kiện giúp người dân miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thuận lợi hơn trong tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Tam Đảo (Agribank Tam Đảo) nỗ lực chuyển đổi số, đưa ngân hàng số đến với từng cá nhân, tổ chức, đem lại những tiện ích thiết thực, thúc đẩy ngành thương mại, du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện Tam Đảo phát triển trong kỷ nguyên số.
Huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc - nơi Agribank Tam Đảo khai thác kinh doanh là huyện miền núi có địa hình đặc thù, trải dài theo dãy núi Tam Đảo. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới hơn 44% dân số, chủ yếu đồng bào dân tộc Sán Dìu. Vì thế, việc triển khai dịch vụ ngân hàng số tại đây gặp không ít khó khăn.
Phó Giám đốc Agribank Tam Đảo Nguyễn Quốc Huy chia sẻ: Ngoài việc mạng lưới ngân hàng còn mỏng, địa bàn rộng, phức tạp thì dịch vụ ngân hàng số còn khá mới mẻ với nhiều bà con nơi đây, đa số vẫn ưa chuộng hình thức thanh toán bằng tiền mặt.
Để tạo thói quen mới cho người dân trên địa bàn, khuyến khích việc sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, từ đầu năm 2021, Agribank Tam Đảo triển khai cấp mã QR cho các hộ kinh doanh thuộc tất cả các lĩnh vực là khách hàng của Agribank. Đơn vị chú trọng vào khách hàng tại các chợ, trung tâm thương mại, thị trấn, thị tứ, nơi có hoạt động kinh doanh dịch vụ phát triển.
Chỉ một thời gian ngắn, hình thức thanh toán mới được người dân hưởng ứng, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh, tạo điều kiện thuận lợi để Agribank Tam Đảo triển khai các bước tiếp theo trong tiến trình chuyển đổi số.
Người dân Làng văn hóa kiểu mẫu Đồng Bùa, xã Tam Quan sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng hóa. Ảnh: Thế Hùng
Cùng với đó, chi nhánh tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phần mềm quản lý điện tử, hướng dẫn khách hàng cài đặt phần mềm Agribank E-Mobile Banking trên điện thoại thông minh.
Việc triển khai đồng bộ giúp giải quyết thủ tục cho vay, huy động vốn, thanh toán… nhanh chóng theo đúng chỉ đạo của Agribank cấp trên. Qua đó, giúp hoạt động của ngân hàng hiệu quả và chính xác hơn, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian đi lại của khách hàng mà vẫn đảm bảo tối đa các quyền lợi.
Đối với khách hàng vay, chi nhánh áp dụng phần mềm quản lý hồ sơ tự động dựa trên dữ liệu hồ sơ khách hàng, tự động gửi thông báo nợ gốc, lãi suất đến số điện thoại đăng ký, giúp khách hàng quản lý khoản vay dễ dàng hơn.
Hiện, Agribank Tam Đảo duy trì hoạt động ổn định 3 cây ATM tại xã Đạo Trù, thị trấn Đại Đình và Hợp Châu. Số tài khoản trực tuyến toàn chi nhánh đạt hơn 16.000 tài khoản, hơn 15.000 khách hàng sử dụng thẻ ATM, tỷ lệ thu lãi qua hình thức trực tuyến đạt hơn 70%, giải ngân vốn vay thông qua tài khoản ngân hàng đạt 100%.
Dư nợ đến hết tháng 6/2024 đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tăng trưởng 60 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Nguồn vốn huy động đạt hơn 1.280 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Quyền Chủ tịch UBND xã Hồ Sơn Lâm Thanh Hà chia sẻ: Hồ Sơn có 30% dân số là người đồng bào dân tộc Sán Dìu, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, tiềm lực tài chính của các nông hộ còn hạn chế.
Trong giai đoạn hiện nay, nông dân đang chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang hướng hàng hóa, xây dựng cây rau su su Tam Đảo trở thành mặt hàng chủ lực, nhu cầu vay vốn của nông dân lớn. Với tổng dư nợ hơn 30 tỷ đồng từ Agribank Tam Đảo, nguồn vốn vay đã góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp của xã diễn ra nhanh hơn, tạo ra thêm giá trị gia tăng.
Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã liên tục tăng qua từng năm, nếu như năm 2022 mới đạt 65 triệu đồng thì đến năm 2023 tăng lên 69,4 triệu đồng. Ngoài ra, các tiện ích ngân hàng số từ Agribank Tam Đảo giúp các giao dịch kinh tế của người dân diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, an toàn hơn.
Lường trước những khó khăn cần vượt qua, Agribank Tam Đảo đã bền bỉ triển khai từng giải pháp, từng bước tạo thói quen sử dụng dịch vụ, tiện ích ngân hàng số cho đồng bào dân tộc Sán Dìu nói riêng và người dân các xã miền núi của huyện Tam Đảo nói chung.
Qua đó, khơi thông dòng vốn “tam nông”, đem lại những lợi ích thiết thực cho khách hàng, tạo ra đòn bẩy phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống người dân huyện Tam Đảo.
Theo Chu Kiều (Báo Vĩnh Phúc)