Trốn tìm, Bịt mắt bắt dê, Nhảy lò cò, Bắn bi, Tạt lon, Thả diều... là những trò chơi gắn liền với tuổi thơ của mỗi người Việt. Tại Việt Nam có rất nhiều trò chơi dân gian, được nhân dân sáng tạo ra từ rất lâu, thậm chí một trò còn có nhiều cách chơi khác nhau, tùy theo vùng miền và đã trở thành những trò chơi truyền thống phổ biến, truyền từ đời này sang đời khác.  
Trò chơi dân gian là những trò chơi được nhân dân sáng tác lưu truyền tự nhiên, rộng rãi trong dân gian, là một trong những hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian của mỗi dân tộc. Chúng không chỉ thể hiện sự lành mạnh, văn minh mà còn giúp các người chơi phát huy sự linh hoạt, nhanh nhạy và cách xử lý vấn đề thông minh hơn. 
Theo Từ điển tiếng Việt, trò có nghĩa là một hình thức mua vui, bày ra trước mắt chúng ta, chơi có nghĩa là các hoạt động của con người chúng ta lúc nhàn rỗi. Trò chơi nghĩa là những hoạt động của con người mang tính chất giải trí mua vui làm quên đi những mệt mỏi, những lo toan của cuộc sống. 

W-choi-chuyen-1.jpg
Chơi chuyền - trò chơi gắn liền với tuổi thơ của mỗi người Việt.


Trò chơi dân gian có đặc điểm dễ dàng phổ biến rộng rãi, không chịu sự ràng buộc một cách nghiêm ngặt về không gian và thời gian, trẻ có thể chơi bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Ở bất cứ đâu, trong gia đình, lớp học hay ngoài ngõ xóm… đều có thể tổ chức các trò chơi phù hợp. Vật liệu để chơi trò chơi dân gian trẻ em cũng rất đơn giản, dễ kiếm, dễ tìm ngay trong thiên nhiên.  

Thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 06/9/2022 của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025… Ngày 27/9/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ban hành Kế hoạch Số: 3511/ /KH-SGDĐT tổ chức “Trò chơi dân gian” trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025. 

Mục đích của kế hoạch nhằm tiếp tục duy trì và đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, góp phần nâng cao sức khoẻ, nâng cao đời sông văn hóa tinh thần, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong các nhà trường. 

Việc tổ chức “Trò chơi dân gian” trong các cơ sở giáo dục cũng tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh trong các trường phổ thông trên địa bàn thành phố, tạo cơ hội cho học sinh các cơ sở giáo dục được biết, học hỏi và tham gia chơi các trò chơi dân gian; Rèn luyện kỹ năng sống, góp phần hình thành nhân cách, giáo dục toàn diện cho học sinh; đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

 Theo đó, các cơ sở giáo dục tố chức tuyên truyền, hướng dẫn về các trò chơi dân gian để học sinh biết và có thể tham gia chơi. Lựa chọn các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi, giới tính, cấp học, điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị để áp dụng một số trò chơi như sau: Cướp cờ, Rồng rắn lên mây, Kéo co, Bịt mắt bắt dê, Đua thuyền trên cạn, Nhảy bao bố, Ô ăn quan, Mèo đuổi chuột, Cá sấu lên bờ, Nhảy dây, Đá gà, Nháy lò cò, Khiêng kiệu, Trông nụ trông hoa, Truyền tin… Ngoài ra, các cơ sở giáo dục có thể lựa chọn các trò chơi dân gian khác để phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương.

Thường xuyên tổ chức tập luyện và giao lưu các trò chơi dân gian trong các cơ sở giáo dục, khuyến khích học sinh tham gia, qua đó nắm bắt tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh; Tổ chức các trò chơi dân gian vào trong các giờ học môn giáo dục thể chất, trong các buổi chào cờ, trong các tiết sinh hoạt lớp, trong các buổi sinh hoạt tập thể, trong các buổi hoạt động ngoại khóa...

Kế hoạch đưa các trò chơi dân gian vào trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội được nhiều phụ huynh và học sinh hưởng ứng. Bạn Thùy Dương – học sinh của một trường Tiểu học quận Cầu Giấy cho biết: "Con biết rất ít trò chơi dân gian. Biết thôi chứ không được chơi vì không có bạn chơi. Giờ ra chơi các bạn hay đọc cuốn truyện của mình đem đi hoặc chơi điện thoại. Nếu các bạn cùng chơi trò chơi dân gian chắc lớp con sẽ có sự đoàn kết hơn". 

Anh Hiếu Trung – phụ huynh của một học sinh cấp 2 cũng cho biết hoàn toàn ủng hộ kế hoạch này. Anh Trung nói, trong thời buổi con trẻ nghiện ti vi, ipad, điện thoại ngày càng nhiều hiện nay, việc tổ chức các trò chơi dân gian giúp trẻ rời xa các thiết bị điện tử, đứng dậy hoạt động là điều cần thiết. Đưa các trò chơi dân gian vào trường học là việc làm thiết thực cần được triển khai ngay.

Huệ Anh