Chiến thuật thời thế chiến 

Theo Telegraph, các khinh khí cầu được đặt trong nhà chứa máy bay. Từ đó chúng có thể được bay lên trên không, thả tấm lưới cao 250m để tạo thành lớp phòng thủ chặn máy bay không người lái.

Mỗi khinh khí cầu có thể bay cao 300m so với mặt đất, tải trọng tối đa khoảng 30kg, đủ để mang theo một tấm lưới nhẹ.

Ngoài ra, chúng có thể được trang bị radar, thiết bị gây nhiễu điện tử và camera cho tầm nhìn 360 độ với phạm vi quan sát lên tới hơn 10km.

Kite balloon being launched on the Western Front Oct 1916 MIKAN No 3395207.jpg
Khinh khí cầu từng được sử dụng rộng rãi trong các cuộc Thế chiến. Ảnh: HistoryFare

“Với nhu cầu cấp bách trên chiến trường cùng với kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, chúng tôi đang tập trung tạo ra hệ thống rào chắn có thể hoạt động như một hệ thống phòng thủ”, Polina Albek, Tổng Giám đốc công ty hàng không vũ trụ First Airship của Nga, chịu trách nhiệm phát triển mạng lưới này, cho biết.

Ngoài ra, các khinh khí cầu cũng có thể được gắn một loại súng chân không để phóng các tấm lưới siêu nhẹ vào UAV đang lao tới.

Các nhà phát triển đã lấy cảm hứng từ việc sử dụng khinh khí cầu trong Thế chiến thứ nhất, cũng như vai trò của chúng trong hệ thống phòng thủ của Anh tại Thế chiến thứ hai.

Theo Bảo tàng Chiến tranh hoàng gia ở London, Anh từng sử dụng 2.748 khinh khí cầu vào tháng 9/1941. Sau đó, khinh khí cầu cũng được sử dụng trong cuộc đổ bộ D-Day lên bờ biển Normandy (Pháp) ngày 6/6/1944 để bảo vệ binh sỹ và tàu thuyền của quân Đồng minh.

Ở thời điểm đó, khinh khí cầu buộc máy bay của Đức phải bay cao hơn, khiến chúng khó tấn công mục tiêu và dễ bị bắn hạ bởi hỏa lực phòng không.

Chưa kể, các dây cáp để neo giữ khinh khí cầu với mặt đất cũng có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho các loại máy bay chiến đấu. Khi quân Đức tấn công, Anh được cho là đã đánh chặn hơn 200 tên lửa nhờ rào chắn khinh khí cầu.

Theo báo cáo của Hiệp hội Không quân Hoàng gia Anh, khinh khí cầu là một phương tiện phòng thủ quan trọng chống lại Không quân Đức vì các dây cáp bằng kim loại mà chúng kéo theo tạo ra nguy hiểm cho máy bay nếu va phải. Nếu đối phương cố bắn hạ một quả khinh khí cầu, máy bay cũng bị ảnh hưởng bởi vụ nổ hydro.

Về mặt chi phí, giới chuyên gia nhận định việc triển khai các khinh khí cầu sẽ thấp hơn lắp đặt hệ thống phòng không xung quanh một cơ sở chiến lược cụ thể.

Một trong những loại khinh khí cầu được Nga sử dụng hiện nay là khinh khí cầu AKV-05 được trang bị hệ thống giám sát quang học, nhiệt và vô tuyến, có khả năng trinh sát ở khoảng cách lên tới 10 km.

Hoán cải máy bay huấn luyện đời cổ

Trong khi đó, mẫu máy bay huấn luyện Yak-52 (đã chấm dứt vòng đời sản xuất từ năm 1998) cũng có thể được cải tạo để chống UAV tấn công và trinh sát.

yakovlev yak 52_4.jpg
Yak-52 là máy bay huấn luyện một động cơ, hai chỗ ngồi do Cục thiết kế Yakovlev thiết kế. Đây là phiên bản phái sinh của Yak-50 và được biết đến với khả năng nhào lộn ấn tượng và mạnh mẽ. Ảnh: Simple Flying

Theo Sputnik, phiên bản nâng cấp của Yak-52 là Yak-52B2 đang được hiện đại hóa với các thiết bị mới, bao gồm cả màn hình đa chức năng ở buồng lái phía sau.

“Thiết bị dẫn đường và điều khiển, hệ thống tác chiến điện tử để gây nhiễu kênh liên lạc của đối phương cũng như hệ thống radar được nâng cấp”, Dmitry Motin, Giám đốc dự án hiện đại hóa tại Cục thiết kế Aviastroitel của Nga cho biết.

Yak-52 được sản xuất hàng loạt từ năm 1979 đến năm 1998. Máy bay có chiều dài 7,8m; sải cánh 9,3m; chiều cao 2,7m. Trọng lượng của Yak-52 là 1.015kg; trọng lượng cất cánh tối đa đạt 1.305kg.

Với động cơ 9 xi lanh Vedeneyev M-14P, Yak-52 có thể đạt tốc độ tối đa 285 km/h, tầm hoạt động 550km, trần bay 4.000m.

Yak-52 được nhiều nước sử dụng, chủ yếu là các nước thuộc Liên Xô trước đây, trong đó có Ukraine.

Truyền thông Ukraine từng đưa tin lực lượng vũ trang nước này đã sử dụng máy bay Yak-52 để bắn hạ nhiều loại UAV do thám của Nga trong cuộc xung đột hiện nay, bao gồm Orlan-10, Zala, và Supercam.

(Tổng hợp)