- Các ý kiến tại cuộc tọa đàm "Làm sao để có sách Toán tốt cho học sinh" sáng 15/4 do tổ chức Sputnik Education khởi xướng đã thống nhất rằng, cách học, phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng như điều kiện thực hiện mới là điều quan trọng nhất chứ không phải sách giáo khoa (SGK).
Vị trí của SGK sẽ thay đổi
PGS. TS Chu Cẩm Thơ (Viện KHGD Việt Nam) cho biết, bà đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến với khoảng 59 giáo viên (GV) về SGK Toán hiện hành.
Kết quả, có tới 38 trên tổng số 59 GV khẳng định SGK hiện tại không đáp ứng được việc giảng dạy của GV vì họ cần tới rất nhiều sách tham khảo.
PGS Chu Cẩm Thơ |
Có tới 69% số GV được hỏi cho rằng, SGK hiện tại không thực hiện được mục tiêu phát triển năng lực tư duy toán học của học sinh.
Đặc biệt, có tới 49% GV trả lời rằng, dưới 50% học sinh của họ có thể tự giải được bài tập mà không có sự hướng dẫn. Chỉ 9% trả lời là trên 75%.
Từ khảo sát này, bà Thơ chỉ ra nhiều bất cập của SGK Toán hiện hành như nặng tính hàn lâm, thiếu tính thực tế.
Từ đó, bà Thơ đề xuất, SGK mới phải tạo ra tiền đề để tiếp cận kiến thức mới, thể hiện cách tiếp cận nội dung mới đồng thời củng cố được kiến thức mới.
Có bài trình bày khá dài với tư cách tổng chủ biên chương trình môn Toán mới, GS. TS Đỗ Đức Thái (Trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng, trong tương lai, vị trí của SGK sẽ thay đổi hẳn, yếu đi rất nhiều vì không còn là văn bản pháp lý bắt buộc và duy nhất đối với nhà trường phổ thông.
"Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cả thầy và trò có thể tìm kiếm và tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau thì SGK không phải là kênh tiếp cận thông tin duy nhất" - ông Thái phân tích.
Sắp tới, văn bản có tính pháp lệnh duy nhất mà nhà nước và các cơ quan quản lý giáo dục sẽ dựa vào để vận hành toàn bộ hệ thống GD chính là Chương trình Giáo dục phổ thông. Vì vậy, SGK chỉ là một cách thể hiện, một trong những kênh thể hiện chương trình.
Tuy nhiên, theo ông Thái, GV toán của Việt Nam hiện nay trình độ rất kém nên không truyền tải được hết tinh thần của SGK. Trong khi đó, GV ở nước ngoài chỉ coi SGK như một tài liệu tham khảo để biên soạn một cuốn SGK của riêng họ.
Ông Thái cũng khẳng định chương trình toán hiện nay không phải quá nặng như nhiều người nghĩ mà vấn đề nằm ở chỗ lối dạy của chúng ta là lối dạy thi cử, nhất nhất nhằm thi cử. Đây cũng chính là nguyên nhân sâu xa khiến các GV không truyền tải được tinh thần của SGK.
"Chính vì vậy, chương ta đã xác định đội ngũ GV, cơ sở vật chất và đổi mới thi cử là 3 điều kiện để thực hiện chương trình GDPT mới".
Nhà giáo Tôn Thân |
Từ đó, theo ông Thái, SGK môn Toán mới có 4 chức năng chính, gồm: cụ thể hóa những nội dung chủ yếu của chương trình giáo dục, chương trình môn học, cung cấp tri thức cốt lõi, nền tảng, tạo thành học vấn phổ thông cốt lõi cho học sinh trong lĩnh vực toán học.
Bên cạnh đó, nó cũng là tài liệu hướng dẫn học sinh tự học, GV giảng dạy và kịch bản cho cả tiến trình dạy và học.
"Quyển SGK phải thể hiện tính dân chủ, kênh cung cấp thông tin phản hồi của cả người dạy lẫn người học đối với chương trình để nhà nước điều chỉnh dần, đặc biệt là GV điều chỉnh dần quá trình dạy học" - ông Thái khẳng định. "Chúng ta phải hướng tới mục tiêu cao nhất và cũng là mơ ước ngàn đời của nhân loại đó là mỗi học sinh có chương trình phù hợp với riêng bản thân mình".
Đừng đặt qúa nhiều trọng trách vào SGK
Ông Thái cũng cho biết, với chương trình GDPT mới được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực chứ không phải tiếp cận nội dung như trước đây thì việc dạy môn Toán cần phải quan tâm là "anh học xong chương trình thì anh làm được cái gì cho cuộc đời anh?"
Theo ông Thái, khẩu hiệu của chương trình môn Toán mới chính là: "Dạy học không phải vì toán học mà dạy học bằng toán học".
Khi dạy một kiến thức toán học thì cái học sinh cần phải biết tại sao người ta lại sinh ra nó chứ không phải kiến thức toán học đó gồm cái gì, gồm bao nhiêu định lý, chứng minh nó ra sao.
Ông Thái lấy ví dụ trong bếp có nhiều loại dao, mỗi con dao có một nhiệm vụ khác nhau. Vì vậy, sự khác nhau giữa tiếp cận nội dung với tiếp cận năng lực không hẳn là việc chứng minh một định lý thế nào mà cần hơn là định lý đó vì sao con người lại cần đến nó và nếu như ta cần một cái khác ta cần một định lý phẩy tương tự định lý đó.
“Đó là bản chất của sáng tạo” – ông Thái nói.
GS Nguyễn Tiến Dũng |
Chia sẻ với ý kiến của ông Thái, GS. TS Nguyễn Tiến Dũng (Viện Toán Toulouse - Pháp) cũng cho rằng, việc dạy Toán ở trường phổ thông hiện nay đang quá chú trọng vào dạy mẹo mực, cách giải các bài toán khó hơn là các tiếp cận vấn đề một cách thực tế.
"Toán học là phải dạy học sinh cách tiếp cận vấn đề chứ không phải luyện thi" - ông Dũng khẳng định "Học sinh chỉ luyện thi nên cứ ra đề khác đi là chết đứ đừ. Toán học không phải như vậy".
Trong khi đó, nhà giáo Tôn Thân với rất nhều chia sẻ của một người từng biên soạn SGK Toán cho rằng, SGK có thể chưa hoàn hảo, có thể có sai sót nhưng quan trọng vẫn nằm ở sự nỗ lực và sáng tạo của người học và người dạy.
"Nếu người học nỗ lực sáng tạo vẫn biến những cái chưa hoàn hảo thành cái của họ. Các thầy giáo có thể sửa được những lỗi sai của SGK, thay đổi bài chưa được, chưa hay trong đó bằng những bài của họ".
Nhà giáo Tôn Thân lấy ví dụ những người như GS Đỗ Đức Thái, GS Ngô Bảo Châu đều là những người rất thành công dù họ đều học những cuốn SGK chưa hoàn hảo như vậy.
PGS. TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, chia sẻ của nhà giáo Tôn Thân cho thấy, không nên đặt quá nhiều trọng trách nặng nề lên SGK sự tươi mới cửa sự nghiệp GD không phụ thuộc vào cuốn sách mà phụ thuộc vào văn hóa học tập, vào cách tư duy của người học và người dạy.
- Lê Văn