"Ít nhất chúng tôi phải có được điểm hòa vốn"
Trước phiên giải trình về xăng dầu tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội diễn ra một ngày, chủ một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chia sẻ với PV. VietNamNet: DN vào thị trường tương đối muộn mằn. Ngay khi dịch Covid-19 hoành hành năm 2021, doanh nghiệp hào hứng mở liền 5 cây xăng một lúc.
Khi dịch bệnh đi qua, doanh nghiệp này khấp khởi vui mừng vì nghĩ đã qua thời khắc đen tối nhất. Nhưng cú sốc về chiết khấu khiến ông chủ này bị “dội gáo nước lạnh”. Ông kể: Lãi đâu chả thấy, chỉ thấy kế toán ngày ngày báo lỗ.
Đó là hệ quả của quá trình dài chiết khấu bằng 0 hoặc chỉ vài trăm đồng. Đây cũng là tình cảnh của hàng nghìn doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu khác.
Sau phiên giải trình, nhiều doanh nghiệp được tham dự chia sẻ: Cái được lớn nhất là nỗi khổ của doanh nghiệp bán lẻ đến được với Quốc hội, còn mọi thứ vẫn phải chờ các quyết sách của bộ ngành, Chính phủ khi sửa Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ ở TP.HCM vẫn chưa hết lo âu. Vị này cho hay: "Trong suốt năm vừa qua, chúng tôi gặp khó khăn là lỗ vốn kéo dài, dẫn đến cùng cực. Chúng tôi như thể đang làm giúp thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối, đồng thời phải bỏ thêm tiền túi ra trả công cho người lao động để đưa xăng dầu ra đến tận tay người tiêu dùng, để công nhân viên chức có xăng đi làm công sở, để phụ huynh có xăng đưa các cháu nhỏ đến trường, để các nhà máy có xăng dầu sản xuất, để các DN vận tải có xăng dầu vận hành,... Tất cả góp phần vào việc sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội".
“Chúng tôi phải thuê người lao động bơm xăng cho khách hàng. Có khách hàng thông cảm, nhưng cũng có khách không thông cảm. Họ chửi mắng, đánh đập, quỵt tiền xăng của nhân viên bơm xăng; thậm chí họ còn vác dao rượt, dọa chém cả nhân viên bơm xăng nữa”, vị này kể về những tháng ngày nguồn cung xăng dầu căng thẳng tại TP.HCM.
Đại diện doanh nghiệp này gửi gắm: "Chúng tôi bán hàng cho thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối thì chúng tôi cũng phải nhận được thù lao, được trả công bằng chi phí kinh doanh tối thiểu là 5-6% trên giá bán lẻ tại thời điểm. Để ít nhất, chúng tôi có được điểm hoà vốn và có thể duy trì được doanh nghiệp bán lẻ của mình".
Phải thị trường hơn
Trước tình cảnh của những doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng “cần phải thay đổi cơ chế quản lý xăng dầu theo định hướng thị trường hơn”.
“Nhiều năm nay tôi tham gia các hội nghị về xăng dầu, tôi luôn nghe thấy rằng tính chi phí là phải tính đủ. Nhưng bao năm qua, chúng ta không thể tính đủ được chi phí này vì mỗi doanh nghiệp một khác, mỗi mô hình kinh doanh một khác, mỗi bối cảnh một khác. Cho nên điều này là khó. Vì thế chúng tôi cho rằng cần có lộ trình để điều hành xăng dầu theo hướng thị trường hơn.
“Chúng tôi kỳ vọng việc sửa nghị định lần này sẽ tạo cơ chế thị trường hơn cho xăng dầu, gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, bỏ các giới hạn về phạm vi mở cửa hàng xăng dầu. Vì hiện nay, có nơi chỉ được 1 cây xăng, mà không được làm cây xăng thứ hai gần đó. Như thế không phải là thị trường. Thị trường là phải có sự cạnh tranh về giá, dịch vụ, chất lượng. Như thế là tạo độc quyền cho cây xăng”, ông Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, ông Đậu Anh Tuấn kiến nghị cần trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp về định giá, về chủ động chọn nguồn mua.
Về phía các cây xăng, ông Tuấn cũng góp ý: "Nếu so sánh hệ thống các cây xăng của Việt Nam với các nước thì chúng ta đang tụt hậu rất nhiều. Chúng tôi mong là các cửa hàng xăng phải phát triển thành các cửa hàng tiện lợi. Hiện nay, nhiều cây xăng phải cầm cự, thậm chí phải bán cây xăng đi là một điều không tốt, ảnh hưởng chất lượng hạ tầng năng lượng quốc gia về mặt dài hạn".
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: Điều hành giá xăng dầu quá lạc hậu, chúng ta lấy dữ liệu của quá khứ để làm cơ sở cho điều hành của tương lai. Lấy dữ liệu thuế bình quân gia quyền của 6 tháng trước để điều hành cho tương lai không bao giờ là phù hợp cả.
“Thị trường mà đầu vào hoàn toàn thị trường, đầu ra lại quản lý bởi nhà nước thì không bao giờ là phù hợp. Cho nên, tôi đồng ý là cần thay đổi. Chúng ta đủ điều kiện để thay đổi theo hướng thị trường hơn”, ông Cung đề xuất.
Ông Cung kiến nghị Chính phủ thông qua một nghị quyết sửa đổi một số điều của Nghị định 95. Về lâu dài, chưa nên sửa chắp vá Nghị định 95 mà cần sửa một cách căn bản, bớt kiểm soát của Nhà nước, cho thị trường vận hành nhiều hơn, giao việc tự chủ, tự quyết nhiều hơn cho thị trường.
“Vấn đề trước mắt là phải cho hệ thống bán lẻ này vận hành không lỗ, có lãi. Bởi hệ thống bán lẻ này quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng xăng dầu nên phải giữ và phát triển, đừng để nó hao mòn, mất mát như thời gian vừa rồi”, ông Cung nhấn mạnh.