Báo VietNamNet xin giới thiệu bài viết của ông Võ Quốc Hưng, CGO (Giám đốc phát triển) Tonkin Media chia sẻ về văn hoá ứng xử trên môi trường số đáng lên án của một bộ phận người làm sáng tạo nội dung, trên các nền tảng như YouTube, Facebook, TikTok... trong thời gian qua.

Các YouTuber, TikToker, Facebooker... xuất hiện làm náo loạn đám tang nghệ sĩ Vũ Linh. Ảnh: Duy Linh

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ thì các các trang mạng xã hội (MXH) đã và đang là một phần không thể thiếu, và có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và hành vi của mọi người. 

Hiện nay, hầu hết chúng ta đều coi mạng xã hội không còn là môi trường số hóa mà là một phần không thể thiếu của môi trường xã hội thực sự - đặc biệt là người trẻ. Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực và các tiện ích thì Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đã xuất hiện nhiều vấn đề đáng lo ngại, nổi cộm và ngày càng nhức nhối, đó là văn hóa ứng xử trong môi trường số của một bộ phận người Việt.

Không phải ngẫu nhiên mà báo cáo Văn hóa ứng xử trên môi trường số của Microsoft công bố năm 2020 cho thấy, Việt Nam thuộc top 5 các nước có chỉ số văn minh thấp nhất trên môi trường số. 

Có thể thấy văn hóa ứng xử của người Việt trên mạng xã hội hiện nay nhan nhản các sự việc công khai chửi bới, lăng mạ, bóc phốt, bôi nhọ lẫn nhau, xâm phạm sự riêng tư cá nhân. Nhiều đối tượng lợi dụng sự tự do và tính ẩn danh của môi trường số để kêu gọi thực hiện những hành vi phản cảm, làm lây lan cách hành xử tiêu cực, mà tôi hay dùng từ cho các trường hợp đó là “văn hóa lùn” … 

Nghiêm trọng hơn, với người Việt chúng ta, tang lễ là sự tôn nghiêm, nơi mọi người thương tiếc, tưởng nhớ, thậm chí khi ra đường nhìn thấy đám tang luôn đứng lại, có đội mũ cũng bỏ xuống để cúi chào, luôn dành cho người đã khuất sự kính trọng. Thế nhưng, vì câu view, câu like trên mạng xã hội như Youtube, Facebook hay TikTok, một bộ phận người làm sáng tạo nội dung trên các nền tảng này đã bất chấp tất cả, tới tận nơi livestream, làm náo loạn cả không khí trang nghiêm tại những nơi này. 

Điển hình như các TikToker, Facebooker hay Youtuber làm náo loạn đám tang của nghệ sĩ cải lương Vũ Linh trong những ngày qua, họ dí camera vào mặt các nghệ sĩ đến viếng, kêu gào ầm ĩ, đến nỗi gia đình phải thuê cả đội bảo vệ để giữ sự tôn nghiêm cho tang lễ.

Số lượng đến livestream đám tang ngày càng đông đảo. Ảnh: Duy Linh

Làm sao để hạn chế hay chấm dứt “văn hoá lùn” trên môi trường số này? Theo tôi, đây không phải là câu chuyện của riêng cơ quan quản lý, mà nó còn là sự tham gia của các nền tảng, doanh nghiệp, cộng đồng… để làm cho môi trường số ngày càng trong sạch và lành mạnh hơn.

Với cơ quan chức năng cần có các chế tài mạnh hơn nữa, đặc biệt là tuyên truyền và áp dụng Luật An ninh mạng đối với các trường hợp phản cảm trên mạng, nếu thấy có dấu hiệu vi phạm. Quản lý chặt chẽ phát ngôn của những người nổi tiếng như nghệ sĩ, các Kols, người có sự ảnh hưởng (Influencer)… thậm chí là đưa ra các hình thức trừng phạt nặng đối với các hành vi vi phạm, như “cấm sóng” trên mạng xã hội chẳng hạn. 

Tôi đánh giá cao việc Bộ TT&TT đang xây dựng "blacklist" trong lĩnh vực quảng cáo, mà theo đó danh sách đen này sẽ bao gồm các website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng vi phạm luật An ninh mạng, luật Sở hữu trí tuệ, nội dung nhảm, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, để nhãn hàng tránh đặt quảng cáo. Đồng thời đưa ra "whitelist", gồm báo, tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động; các website, tài khoản, kênh nội dung, trang cộng đồng có đăng ký thông tin với Bộ và được xác nhận, để các nhãn hàng có thể quảng cáo trên đó. 

Hay mới đây Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đề xuất đưa ra chế tài cấm sóng, cấm mạng, cấm diễn, đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm pháp luật trên mạng. Đây cũng là hành động được nhiều người hưởng ứng để làm sạch không gian mạng hiện nay.

Việc xuất hiện các Youtuber, Facebooker, TikToker... livestream làm náo loạn, khiến gia đình nghệ sĩ Vũ Linh phải thuê cả đội bảo vệ để giữ không khí trang nghiêm cho đám tang. Ảnh: Duy Linh

Với doanh nghiệp, cần đồng lòng với cơ quan chức năng, nói “không” với quảng cáo trên các kênh có nội dung xấu, độc hại. Bởi khi doanh nghiệp hay các nhãn hàng không quảng cáo nữa các kênh này sẽ “chết”.

Còn các nền tảng trong nước và xuyên biên giới hiện nay như TikTok, YouTube, Facebook… mặc dù đã có bộ quy tắc ứng xử, nhưng đang áp dụng khá “lỏng lẻo” và đang có tình trạng “mắt nhắm, mắt mở”, để “bảo kê” cho các nội dung xấu lộng hành. Một phần nguyên nhân là do áp lực cạnh tranh với các nền tảng khác cũng như về doanh thu, nên đã có sự ngó lơ ở trên.

Chính vì thế, đã đến lúc cơ quan chức năng cần gây áp lực mạnh mẽ hơn với các nền tảng này.Yêu cầu các nền tảng phải tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam và phải liên tục tiến hành xử lý các nội dung vi phạm từ các kênh (điển hình là khoá kênh và tắt kiếm tiền khi vi phạm…), cũng như áp dụng bộ lọc nội dung xấu độc một cách triệt để.

Còn với cộng đồng, bản thân mỗi người cần nói “không” với các kênh có nội dung độc hại. Nếu chúng ta không xem, không cổ suý và báo cáo ngay lên các cơ quan chức năng hay các nền tảng khi thấy nội dung độc hại, cũng góp phần không nhỏ trong việc làm sạch môi trường số hiện nay.

Võ Quốc Hưng, CGO Tonkin Media 

Kinh tế số, xã hội số cần có văn hóa số

Kinh tế số, xã hội số cần có văn hóa số

Chuyển đổi số tạo ra môi trường sống mới là môi trường số - nơi cần tới văn hoá số. Xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số sẽ làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước.