Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không đã xác nhận việc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18 - VNH) đã dừng mọi hoạt động bay du lịch ngắm cảnh trên cả nước cho đến khi có thông báo mới sau vụ rơi trực thăng Bell 505 trên biển chiều 5/4.

Máy bay sử dụng phục vụ tour du lịch ngắm Vịnh Hạ Long là mẫu trực thăng Bell 505 được Công ty Trực thăng Miền Bắc thuộc Tổng công ty Trực thăng Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ. Đây là dòng trực thăng hạng nhẹ, 4 chỗ ngồi, do hãng Bell Helicopters sản xuất; chuyên dụng để bay du lịch, ngắm cảnh. 

Tổng công ty Trực thăng Việt Nam là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng, kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có bay du lịch - dịch vụ. Hiện công ty cung cấp tour bay ngắm cảnh tại nhiều địa điểm như vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Điện Biên, Mai Châu (Hòa Bình), mùa vàng Mù Cang Chải (Yên Bái), Vũng Tàu - Côn Đảo... Trong đó, tour ngắm vịnh Hạ Long, Đà Nẵng và Vũng Tàu được cung cấp quanh năm (theo yêu cầu).

Chi phí dịch vụ tour bay trực thăng ngắm cảnh vịnh Hạ Long dao động từ 2,7 triệu đồng (10 phút, ngồi ghế đầu) đến 7,3 triệu đồng (30 phút, ngồi ghế sau). Đây được xem là một trong những tour du lịch cao cấp của Quảng Ninh. Với tour 30 phút, du khách sẽ được bay qua động Thiên Cung, hòn Trống Mái, đảo Titop, hang Sửng Sốt, làng chài Cửa Vạn, vịnh Bái Tử Long, đảo Cống Đỏ, bảo tàng Quảng Ninh, Vòng quay Mặt trời, cầu Bãi Cháy, ngọn hải đăng, bãi biển Bãi Cháy, đảo Rều.

Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho hay, đơn vị này đang cùng cơ quan chức năng tìm hướng giải quyết thích hợp, sẽ thông tin sớm tới báo chí.

TRỰC THĂNG CHỞ DU KHÁCH THAM QUAN VỊNH HẠ LONG RƠI, 5 NGƯỜI GẶP NẠN

Ngày 5/4, máy bay trực thăng Bell 505 số hiệu VN-8650 (do Công ty Trực thăng Miền Bắc điều hành và quản lý) bị mất liên lạc, rơi tại khu vực biển giáp ranh giữa vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) và vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Trên trực thăng có 5 người gồm 1 phi công là đại tá Chu Quang Minh và 4 khách du lịch người Việt Nam. Hiện tại, lực lượng cứu nạn tìm thấy 3/5 nạn nhân đã tử vong, trong đó có phi công Chu Quang Minh.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Đồng thời, tổ chức giải quyết tốt hậu quả, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình phi công và những người bị nạn, thực hiện các chế độ chính sách đối với quân nhân bị nạn theo quy định.

Thủ tướng cũng yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có); rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác chỉ huy, điều hành bay, đảm bảo kỹ thuật hàng không, tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục ngay các hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn đối với các chuyến bay.