Mới đây, vụ tai nạn giao thông xảy ra vào trưa ngày 18/11 ở xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình khiến 1 cháu bé tử vong đã thu hút sự chú ý của nhiều người. 

Đoạn video do camera an ninh của nhà dân ghi lại cho thấy, tại hiện trường có một chiếc ô tô tải màu xanh đang dừng đỗ thiếu gọn gàng và ngược chiều di chuyển của làn đường. Chiếc xe tải này đã phần nào gây cản trở tầm nhìn của chiếc xe khách cũng như cháu bé sang đường, dẫn đến vụ việc đau lòng nói trên.

Chiếc xe tải dừng đỗ ngược chiều đã gián tiếp gây tai nạn tại xã Quỳnh Lưu (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) vào trưa ngày 18/11. (Nguồn video: Mạng XH Giao thông)

Đáng nói, ngay sau khi tai nạn xảy ra, tài xế ô tô tải đã nhanh chóng cho xe rời khỏi hiện trường như không có chuyện gì xảy ra khiến nhiều người xem clip không khỏi bức xúc.

Các chuyên gia về pháp lý cho rằng, việc dừng đỗ xe trái quy định gián tiếp gây tai nạn giao thông như trong trường hợp trên, người điều khiển phương tiện hoàn toàn có thể bị liên đới, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và có trách nhiệm đền bù một phần thiệt hại do hành vi của mình gây ra.

"Tuy nhiên, việc lái xe phải chịu trách nhiệm hay không và chịu trách nhiệm đến đâu phụ thuộc vào kết quả điều tra cuối cùng của cơ quan công an về tai nạn đó", một vị luật sư nói.

Trên thực tế, việc dừng đỗ ô tô trái quy định nói chung và dừng đỗ xe ngược chiều di chuyển nói riêng không chỉ gây ùn tắc mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Đỗ xe ngược chiều cũng là hành vi bị cấm trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Chiếc Toyota Camry đỗ ngược chiều tại Làng quốc tế Thăng Long (Hà Nội) khiến các phương tiện khác gặp khó khăn khi di chuyển. (Ảnh: Phạm Thành)

Mục b, khoản 3, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ "Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định: Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình".

Còn tại khoản 4, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định "Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: Bên trái đường một chiều; Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; Trên cầu, gầm cầu vượt; Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;...".

Theo khoản 2, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, với hành vi "Dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy;...", người điều khiển ô tô bị phạt tiền từ 400-600 nghìn đồng.

Đồng thời, trường hợp dừng đỗ xe ngược với chiều lưu thông nếu xảy ra tai nạn, lái xe còn bị tước GPLX từ  2-4 tháng theo khoản 11, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt đối với hành vi đỗ xe ngược chiều như hiện nay vẫn đang là quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần có điều chỉnh theo hướng tăng nặng để hạn chế tối đa hành vi nguy hiểm này.

Hoàng Hiệp

Bạn có góc nhìn nào về nội dung trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi câu hỏi tư vấn về sử dụng, mua bán xe xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!