Nếu bạn chưa biết thì mỗi cánh của tuabin gió có thể dài hơn cánh máy bay Boeing 747, vì vậy khi không thể sử dụng được nữa, chúng không thể để nguyên cả cục để kéo đi xử lý. Và bởi có kết cấu đặc biệt với các sợi thủy tinh lissome, người ta phải dùng cưa công nghiệp với mũi nạm kim cương để xẻ nó ra thành ba mảnh nhỏ, đủ để buộc vào xe đầu kéo.

Bãi rác thành phố ở Casper, bang Utah, Mỹ là nơi an nghỉ cuối cùng của 870 cánh tuabin gió, sau những chuỗi ngày chuyển đổi năng lượng tự nhiên thành điện năng. Các mảnh vỡ của chúng trông giống như xương cá voi bị tẩy trắng và xếp san sát nhau.

"Đây là toàn bộ phần của mùa đông năm nay", chuyên gia về kỹ thuật xử lý chất thải Michael Bratvold chia sẻ khi đang xem một chiếc xe ủi chôn chúng xuống cát mãi mãi. "Tôi sẽ nhận phần còn lại khi thời tiết ấm hơn vào mùa xuân này."

Hàng chục ngàn cánh tuabin gió, trông như những lưỡi kiếm già cỗi, được tháo ra từ các tuabin gió khổng lồ trên khắp thế giới, hầu hết không có nơi nào để đi ngoài bãi rác. Chỉ riêng ở Mỹ, khoảng 8.000 cái sẽ bị loại bỏ trong mỗi 4 năm tới. Ở Châu Âu, có khoảng 3.800 chiếc bị hạ xuống hàng năm, cho đến ít nhất là năm 2022. Mọi việc sẽ trở nên tồi tệ hơn vì hầu hết các tuabin gió này được tạo ra cách đây hơn một thập kỷ. Số lượng sẽ tăng lên bởi chúng liên tục được xây dựng trong những năm gần đây và khi tới chu kỳ thay thế đó sẽ là một con số khổng lồ.

Được chế tạo để chịu được gió bão, những "lưỡi kiếm" này không thể dễ dàng bị nghiền nát, tái chế hoặc tái sử dụng. Điều đó khiến chúng bị kỳ thị, thậm chí ở nhiều bãi chứa chất thải. Ở Mỹ, chỉ có một số bãi rác chấp nhận loại rác này, như ở Lake Mills, Iowa, Sioux Falls, South Dakota và Casper, nơi chúng sẽ bị giam trong các ngăn xếp ở độ sâu khoảng 10 mét.

{keywords}
Các cánh quạt được cắt ra và xếp chồng lên nhau để tiết kiệm diện tích.

Bob Cappadona, giám đốc điều hành của công ty xử lý chất thải đa quốc gia Veolia Envirnement SA, đang tìm kiếm những cách tốt hơn để xử lý những "lưỡi kiếm" khổng lồ này.

"Hầu hết các bãi chôn lấp được coi là một ngôi mộ khô", ông nói. "Điều cuối cùng chúng tôi muốn làm là tạo ra ít ảnh hưởng tới môi trường hơn nữa."

Để ngăn chặn sự biến đổi khí hậu do đốt nhiên liệu hóa thạch, nhiều chính phủ và tập đoàn đã cam kết chỉ sử dụng năng lượng sạch vào năm 2050. Năng lượng gió là một trong những cách rẻ nhất để đạt được mục tiêu đó.

Điện đến từ các tuabin góp làm quay máy phát điện. Các mô hình tuabin gió hiện đại xuất hiện sau lệnh cấm vận dầu mỏ Ả Rập năm 1973, khi sự thiếu hụt buộc các chính phủ phương Tây phải tìm giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch. Trang trại điện gió đầu tiên ở Mỹ được lắp đặt tại New Hampshire vào năm 1980 và sau đó bang California đã triển khai hàng ngàn tuabin gió ở phía đông San Francisco, khu vực đèo Altamont.

Các mô hình tuabin gió đầu tiên khá đắt tiền và không hiệu quả, quay nhanh và khá thấp. Sau năm 1992, các nhà sản xuất đã đầu tư tạo ra các thiết kế cao hơn và mạnh hơn. Các ống thép của chúng tăng tới 80 mét và cánh được làm bằng sợi thủy tinh siêu bền. Một thập kỷ sau, General Electric đã tạo ra mô hình có công suất 1,5 megawatt, một tuabin gió đủ cung cấp điện năng cho 1.200 căn nhà.

Năng lượng từ gió không có carbon và khoảng 85% các thành phần của tuabin, bao gồm thép, dây đồng, thiết bị điện tử và các linh kiện khác có thể được tái chế hoặc tái sử dụng. Nhưng các cánh tuabin vẫn rất khó xử lý. Một số chiếc có thể dài hàng chục mét, khiến chi phí vận chuyển tăng cao, thậm chí chúng bị cấm vận chuyển ở một số tuyến đường dài. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm ra những cách tốt hơn để tách nhựa ra khỏi sợi thủy tinh, hoặc tìm cách tái chế chúng thành những mảnh nhỏ dưới dạng viên hoặc tấm.

{keywords}
Cho đến khi việc tái chế quy mô lớn được phổ biến, các bãi chôn lấp vẫn phải chứa các "lưỡi kiếm" khổng lồ nhưng vô dụng này.

Ở châu Âu, nơi có các quy định chặt chẽ về loại vật liệu có thể mang vào bãi rác, một số cánh tuabin được mang đi đốt trong lò nung để tạo ra xi măng hoặc trong các nhà máy điện. Nhưng hàm lượng năng lượng tạo ra từ chúng khá yếu và không đồng đều, đồng thời sợi thủy tinh cháy phát ra các chất ô nhiễm.

Trong một dự án thí điểm năm ngoái, tập đoàn Veolia đã thử nghiền chúng thành bụi, sau đó tìm kiếm loại hóa chất phù hợp để chiết xuất. "Chúng tôi nghĩ ra một số ý tưởng điên rồ và muốn làm cho việc tái chế nó trở nên bền vững. Có rất nhiều vấn đề cần quan tâm."

Một công ty khởi nghiệp mang tên Global Fiberglass Solutions, đã phát triển một phương pháp để phá vỡ các cánh tuabin và ép chúng thành các viên và tấm, để sử dụng cho vật liệu sàn và tường. Công ty bắt đầu sản xuất các mẫu tại một nhà máy ở Sweetwater, Texas, gần các trang trại điện gió tập trung lớn nhất châu Mỹ. Công ty cũng có kế hoạch khai thác kinh doanh khác ở Iowa.

"Chúng tôi có thể xử lý 99,9% một cánh tuabin và xử lý khoảng 6.000 đến 7.000 chiếc mỗi năm, với mỗi nhà máy. Công ty đã tích lũy được một kho dự trữ cánh tuabin cho khoảng một năm, sẵn sàng để cắt nhỏ và tái chế khi nhu cầu tăng", Giám đốc điều hành Don Lilly cho biết. "Khi chúng tôi bắt đầu bán cho nhiều nhà xây dựng hơn, chúng tôi có thể tiếp nhận nhiều nguyên liệu hơn nữa. Hiện giờ chúng tôi chỉ đang chuẩn bị."

{keywords}
Các "lưỡi kiếm" của tuabin gió đang nằm trong "mộ".

Tuy nhiên cho đến lúc việc kinh doanh nói trên khả thi, các bãi rác đô thị sẽ phải gánh vác trách nhiệm nặng nề này. Bởi theo Hiệp hội Năng lượng gió Hoa Kỳ, đây vẫn là cách xử lý an toàn và rẻ nhất. Ít ra thì hiện tại, nó vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong lượng rác cần chôn lấp khổng lồ tại Mỹ.

Tại Iowa, Waste Management Inc, đã hợp tác chặt chẽ với các công ty năng lượng tái tạo để đưa ra giải pháp xử lý, tái chế và xử lý các cánh quạt của tuabin gió. Công ty có khoảng 10 xe tải lớn để thu gom chúng mỗi ngày, tại bãi rác Lake Mills.

Quay trở lại bang Utah, dưới bóng một ngọn núi phủ tuyết, Casper vẫn là nơi phù hợp để các chứa rác từ các trang trại điện gió. Thành phố này nhận được 675.000 mỗi năm tiền đền bù, để chứa các cánh quạt tuabin gió vô thời hạn. Số tiền được dùng để cải thiện sân chơi và các dịch vụ khác của người dân. Theo người quản lý bãi rác thành phố, Cynthia Langston, thì ít ra các cánh tuabin này vẫn sạch hơn nhiều so với các thiết bị máy móc cũ hỏng khác.

{keywords}
Bãi rác chôn lấp các cánh tuabin gió, nằm ngay cạnh trang trại điện gió.

Tuy nhiên, những người nhân công làm việc ở bãi rác cũng không thoải mái gì lắm với thứ phế liệu khổng lồ này. Bởi chúng quá lớn và bền, họ đã phải tìm mọi cách để ép chúng với nhau cho bớt chiếm diện tích. Họ đã thử mọi thứ, từ máy ủi, máy xúc cho tới các thiết bị chuyên dụng, nhưng thứ để lại chỉ là các vệt hằn nhẹ trên thân cánh tuabin. Và có ít thời gian để lãng phí vì mùa xuân đang đến, đi kèm với nó là cuộc diễu hành vô hồn của những mảnh cánh tuabin gió sắp được chở tới.

(Theo Bloomberg/ Tổ Quốc)