Tổng số vốn ĐH Quốc gia TP.HCM được giao sử dụng trong năm nay là 1.527,248 tỷ đồng. Trong đó vốn kéo dài từ năm 2021 là 673,309 tỷ đồng, vốn giao năm 2022 là 853,940 tỷ. 
 
Tổng số vốn trên được giao cho 24 dự án. Cụ thể: 2 dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng là 400,353 tỷ đồng; Dự án phát triển các ĐH Quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án ĐH Quốc gia TP.HCM là 271,419 tỷ; 6 dự án chuyển tiếp hoàn thành năm 2022: 88,480 tỷ; 7 dự án đầu tư xây dựng mới 476,016 tỷ; Dự án ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số tại ĐH Quốc gia TP.HCM theo định hướng phát triển ĐH số: 51 tỷ; 7 dự án đầu tư chiều sâu ngành khoa học, công nghệ: 239,981 tỷ.

Đến ngày 30/11, ĐH Quốc gia TP.HCM mới giải ngân được 22% tổng số vốn, tương đương 335,994 tỷ đồng. 

Sự chậm trễ trong việc giải ngân đã làm ảnh hưởng tới tiến độ các công trình xây dựng, nhất là các hợp phần của Trường ĐH Khoa học sức khỏe mà Thủ tướng đã phê duyệt chủ trương.

Các phòng thí nghiệm cũng bị ảnh hưởng trong việc phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. 

Ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay hiệu quả giải ngân thấp đã làm chậm tiến độ các công trình xây dựng. Ảnh: Thiện Thông

Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay, sự chậm trễ trong điều chỉnh quy hoạch 1/2000 kéo theo công tác giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng tiến độ là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng giải ngân chậm.

Mặt khác, các dự án vay vốn Ngân hàng thế giới bị mắc kẹt 2 năm chưa giải ngân được vì vấn đề tài sản đảm bảo. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng ảnh hưởng đến các gói thầu do không thể mua sắm được thiết bị.
 
Theo dự kiến, số vốn năm 2022 chưa giải ngân sẽ được chuyển qua năm 2023.