Trong Lễ khai khoá 2022 sáng nay (13/10), PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đã thay mặt giảng viên, sinh viên gửi  những câu hỏi tới Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn.

VietNamNet xin thuật lại cuộc trao đổi này.

PGS Vũ Hải Quân: Chủ tịch nước có thể chia sẻ hành trình học tập và phấn đấu của mình, nhất là thời sinh viên cũng như những khoá học bồi dưỡng sau này Chủ tịch nước có dịp tham gia?
 
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Tôi đã học ở Hà Nội và sau này về địa phương, là một trong những công chức đầu tiên của Việt Nam đi học ở ĐH Quốc gia Singapore trong nhiều tháng với nhiều kỷ niệm.

Những năm cuối 1980 đầu những năm 1990, tôi được Tỉnh uỷ của Quảng Nam - Đà Nẵng cử đi học ở ĐH Quốc gia Singapore, lần đầu tiên, tôi hiểu đầy đủ về trường đại học. 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Khi làm Phó Thủ tướng, tôi được cử đi nghiên cứu ở Singapore với tư cách khách mời của ông Lý Quang Diệu. Như vậy, tôi đã học ở Singapore tới 2 lần. Sau này, tôi được cử đi học chương trình Fulbright khoá đầu tiên ở TP.HCM, rồi tiếp theo tôi học ở ĐH Harvard.

Tôi nói điều này để thấy việc chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung kiến thức, nhất là kiến thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, tôi mong mỏi các em sinh viên và kể cả các thầy giáo tiếp tục nghiên cứu bổ sung kiến thức trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, chứ không thể thoả mãn với cái đã có.

Hôm nay, các Bộ trưởng, từ Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đến Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Chí Dũng, Huỳnh Thành Đạt luôn luôn bổ sung kiến thức, những điều mới để thu hút và phát triển. Học sinh, sinh viên đặc biệt các thầy giáo cần bổ sung kiến thức mới để hoàn thiện mình, tiếp tục đóng góp cho đất nước. Chủ tịch nước cũng như các đồng chí, các bạn có mặt ở đây phải tiếp tục học hỏi, hoàn thiện mình trong bối cảnh mới, điều kiện mới của quốc tế và trong nước.

Chúng tôi sẽ làm hết sức mình trên cơ sở học tập, nghiên cứu, rèn luyện để cùng với các thành viên khác của Đảng và Nhà nước đóng góp xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta. 
 
PGS Vũ Hải Quân: Bộ trưởng đánh giá như thế nào về vai trò của trường đại học đối với đổi mới sáng tạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có lộ trình đầu tư trung tâm đổi mới sáng tạo tại TP.HCM chưa, thưa ông?

Bộ trưởng kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Nghị quyết XIII của Đảng đã xác định đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo sự bứt phá thay đổi về năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tầm nhìn đến 2045, Đảng ta cũng tiếp tục khẳng định như vậy.

Trong quy hoạch phát triển tổng thể xã hội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 tiếp tục khẳng định vấn đề này, chọn một số địa bàn, một số địa phương, một số vùng miền có điều kiện tốt là các trung tâm công nghệ, trung tâm giáo dục đào tạo tốt để xây dựng thành các vùng động lực và các cực tăng trưởng… TP.HCM hiện nay đang nằm trong cực tăng trưởng này của vùng động lực cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 

Vai trò của các trường đại học, trong đó vai trò của ĐH Quốc gia TP.HCM là vô cùng quan trọng vì làm 2 chức năng là cung cấp các nghiên cứu tinh hoa, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đây là 2 yếu tố quan trọng cho đổi mới sáng tạo. Trong thực tế, các trường đại học sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ngược lại, đổi mới sáng tạo sẽ khơi dậy các nghiên cứu cũng như đào tạo của các trường đại học. 

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Vai trò của các trường đại học là vô cùng quan trọng để thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp cho đất nước phát triển nhanh, đạt được các mục tiêu rất cao. Đây là con đường duy nhất phải đi để tiến nhanh, tiến mạnh để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Cách đây 4 năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khởi xướng, phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, được Thủ tướng quyết định, để thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với chức năng xây dựng hệ sinh thái để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, kết nối các nguồn lực, xây dựng các thể chế, chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Hiện nay đang hợp tác với ĐH Quốc gia Hà nội xây dựng hệ thống AI và Robotic.

Bộ cũng mong muốn TP.HCM xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo. ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo để kết nối với các trung tâm ở trong nước cũng như quốc tế. Bộ sẽ hợp tác để hỗ trợ cho ĐH Quốc gia TP.HCM.

Về đầu tư cho ĐH Quốc gia TP HCM, Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất quan tâm. Hiện chỉ vướng ở việc giải phóng mặt bằng, còn về nguồn lực được bố trí đầy đủ để xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu trở thành đại học hàng đầu của đất nước cũng như của khu vực.

PGS Vũ Hải Quân: Bộ Khoa học Công nghệ có chính sách gì để các trường đại học có thể đóng góp nhiều hơn nữa các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của đất nước?

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt đối với sự phát triển của mọi quốc gia trên thế giới. Công nghiệp hoá là sự đòi hỏi, sự chọn lựa của các quốc gia để thực hiện sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Thực tế cho thấy tất cả các nước trong nhóm phát triển đều hoàn thành hoặc hoàn thành cơ bản công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước họ. Việt Nam xuất phát từ nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Từ đổi mới đến nay, chính sách công nghiệp hoá, hiện đại hoá là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước.

Hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam trong thời gian qua đã có sự đóng góp quan trọng. Hiện nay, đội ngũ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm số lượng lớn với 79.000 người. Chất lượng của đội ngũ này ngày càng nâng lên.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối với chặt chẽ với Bộ GD-ĐT để xây dựng Nghị định thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công nghệ trong các trường đại học. Tới đây, hai Bộ sẽ bàn cơ chế để đầu tư trực tiếp các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cho các nhóm nghiên cứu trong các trường đại học.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng để trình Chính phủ cơ chế thành lập các doanh nghiệp, tạo điều kiện thương mại hoá, chuyển giao công nghệ.

Với các chương trình khoa học quốc gia, Bộ đang cơ cấu lại theo hướng thực hiện các nhiệm vụ gắn với mục tiêu phát triển kinh tế đất nước. Việc cơ cấu đảm bảo công khai, minh bạch, chấp nhận rủi ro, chấp nhận độ trễ…

PGS Vũ Hải Quân: Chuyển đổi số đang là xu hướng của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tháng trước, khi làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM, ông có nói về thách thức lớn, nhiệm vụ lớn. Xin ông cho biết những thách thách thức lớn trong chuyển đổi số của quốc gia hiện nay là gì? Sinh viên, giáo viên có thể tham gia gì để giải quyết thách thức lớn, nhiệm vụ lớn?

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi số giống như chúng ta di chuyển sang môi trường mới, ở đó chúng ta sống, làm việc, giải trí… nên nó là cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Đó cũng là thách thức lớn đối với nhân loại. Do vậy, việc đầu tiên là xây dựng thể chế số, văn hoá số, hạ tầng số…

Nhân lực số là câu chuyện lớn. Những quốc gia đã phát triển đặt mục tiêu đến năm 2030, nhân lực số (kỹ sư, chuyên gia số) chiếm 5% dân số. Việt Nam cần 5 triệu nhân lực nhưng hiện nay mới có 700 nghìn.

Bên cạnh đó, khi chuyển sang môi trường mới (môi trường số) cần kỹ năng mới. Các quốc gia đặt mục tiêu 80% dân số có kỹ năng số cơ bản.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Hai câu chuyện trên đặt lên vai trường đại học. Nhưng đại học truyền thống đã đạt tới giới hạn về năng lực có thể đào tạo sinh viên, cho nên lời giải là đại học số.

Hàn Quốc là quốc gia thành công về đại học số. Hiện nay, tỉ lệ sinh viên từ các đại học số của Hàn Quốc đạt tới trên 50%. Việt Nam đang có đề án đại học số nhưng cũng chỉ 50-50, nghĩa là 50% đại học truyền thống và 50% đại học số.

Với chuyển đổi số, đã chuyển thì phải chuyển 100%, chuyển 50% không mang lại hiệu quả. Đại học số là lời giải nhân lực cho chuyển đổi số, không chỉ chuyển đổi số ở Việt Nam mà còn tham gia trên toàn cầu. Các đại học cũng nên tham gia đào tạo kỹ năng số cho người dân chứ không chỉ riêng đào tạo nhân lực số.

GS Vũ Hải Quân: TP.HCM nhìn nhận về vai trò của các trường đại học trên địa bàn như thế nào và trong giai đoạn tới? Thành phố có chủ trương chính sách gì để đồng hành cùng các trường đại học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển của thành phố?

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: TP.HCM là trung tâm, nơi tập trung của các trường đại học, là nơi tập trung đội ngũ trí thức các nhà khoa học rất lớn. Trong thời gian vừa qua, các đại học đã có đóng góp rất lớn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ cho TP.HCM mà cho cả nước.

Các đại học ở TP.HCM thực sự trở thành trung tâm nghiên cứu, chuyển giao trong ứng dụng khoa học công nghệ và đóng góp rất tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội của TP.HCM, của các địa phương phía Nam và cả nước. Các đại học đã đề xuất các chiến lược, cơ chế chính sách ở tầm vĩ mô, quản lý địa phương, quản lý ngành…. Việc này, TP.HCM được hưởng lợi rất nhiều.

Gần đây, các đại học ở TP.HCM đã trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… Việc này diễn ra rất mạnh mẽ, đi trước, dẫn đường, lan toả để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Chủ tịch TP.HCM  Phan Văn Mãi

TP.HCM luôn xem các trường đại học trên địa bàn là một phần trong thực thể TP.HCM, dù thuộc bộ ngành nào. Vì vậy, thành phố luôn đồng hành cùng sự phát triển của các trường trong việc hỗ trợ đất đai, tài chính, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu, phát triển trong giai đoạn mới.

Thành phố cũng lồng ghép trong chương trình phát triển thành phố ở khía cạnh phát triển nhân lực, đặt hàng với các trường đại học để nghiên cứu ứng dụng giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội của thành phố. 

PGS Vũ Hải Quân: Ông có thể chia sẻ về chính sách chiến lược của ngành trong đào tạo, bồi dưỡng thế hệ sinh viên mới làm thế nào để đổi mới sáng tạo, có thể phát triển khoa học công nghệ có thể nói chuyện chuyển đổi số? 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn: Việc đổi mới sáng tạo cùng với phát triển một nền kinh tế số, xã hội số, phát triển của công nghệ phải xuất phát từ các trường đại học. Bởi vì các trường đại học là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng là nơi sáng tạo trí thức, phát triển công nghệ công nghiệp, đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển khoa học công nghệ đất nước.

Bộ GD-ĐT xây dựng chính sách theo chủ trương của Chính phủ kiến tạo, Bộ kiến tạo, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý để cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đẩy mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn

Bộ GD-ĐT đã xây dựng đề án, chương trình hỗ trợ các trường đại học. Bộ đang có các đề án cụ thể như tăng cường ứng dụng tin học và chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Một trong các đề án con đó là xây dựng thí điểm đại học số. Giáo dục đại học số, trong đó nhiều cơ sở giáo dục cùng tham gia, sinh viên có thể tham gia học một chương trình đào tạo do một trường hoặc do giảng viên nhiều trường cùng giảng dạy. 

Cùng với các bộ ngành, Bộ GD-ĐT cũng đang xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành công nghệ cao. Đây là nguồn nhân lực trọng yếu để có thể phát triển nghiên cứu ứng dụng trong những ngành công nghệ then chốt của đất nước.

Đào tạo nhân lực, đổi mới sáng tạo hay chuyển đổi số trước hết cần phải đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngay chính trong các nhà trường. Phải bắt đầu từ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong dạy và học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong quản trị nhà trường…

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM