Chỉ vài ngày sau khi Mỹ tăng cường phòng không cho Israel bằng cách triển khai một khẩu đội THAAD và 100 binh sĩ, Israel đã thực hiện cuộc tấn công trả đũa quy mô lớn vào Iran hôm 26/10. Ước tính khoảng 100 máy bay Israel đã tham gia hoạt động kéo dài hàng giờ trên bầu trời Iran.
Quân đội Israel tuyên bố đã "tiến hành tấn công chính xác vào nhiều mục tiêu quân sự ở Iran để ngăn chặn các mối đe dọa trước mắt". Nhiều địa điểm quân sự bao gồm cơ sở sản xuất tên lửa của Iran nằm trong số những mục tiêu bị Israel tấn công. "Israel hiện có quyền tự do hoạt động trên không rộng hơn tại Iran", quân đội Israel nhấn mạnh.
"Đây là một bước ngoặt, một sự chuyển đổi từ cuộc chiến trong bóng tối sang một cấp độ mới, được công khai. Israel đã chứng minh khả năng tấn công nhiều địa điểm cùng lúc, và cho thấy họ có nguồn thông tin tình báo chính xác", bà Sharona Shir Zablodovsky, chuyên gia về chính sách công và an ninh quốc gia tại Diễn đàn Dvorah chia sẻ với hãng tin The Media Line.
Nhà nghiên cứu Danny Citrinowicz từ Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia Israel có trụ sở tại Tel Aviv cho rằng, việc triển khai THAAD báo hiệu sự tin tưởng của Mỹ trong việc Israel sẽ không hành động chống lại lợi ích của Washington.
"Đây là một động thái chiến lược và có ý nghĩa, là một thông điệp gửi đến cả Iran và Israel. Nó còn là nỗ lực hiệu quả của Mỹ nhằm ép Israel chỉ chống lại các mục tiêu quân sự của Iran, nhưng đồng thời gửi thông điệp tới Iran rằng Mỹ sẽ ủng hộ Israel, mà đặc biệt là trong việc bảo vệ nước này", ông Citrinowicz nói.
Thay đổi khả năng răn đe
Ông Citrinowicz mô tả cuộc tấn công của Israel là "sự kiện lịch sử làm thay đổi hoàn toàn mối quan hệ giữa Iran và Israel".
"Cuộc tấn công phản ánh ý chí của Israel nhằm cân bằng phương trình răn đe đối với Iran, báo hiệu vụ tập kích tên lửa quy mô lớn vào Israel không thể không bị đáp trả, nhưng không làm leo thang rộng hơn. Israel cũng đã cân nhắc đến quan điểm của chính phủ Mỹ là không muốn thấy căng thẳng leo thang trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ", ông Citrinowicz chia sẻ.
Trong hơn một năm qua, Israel đã vướng vào giao tranh trên nhiều mặt trận với các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Dải Gaza, Lebanon, Yemen, và nhiều khu vực khác. Đặc biệt, năm nay đánh dấu lần đầu tiên Iran và Israel tấn công trực tiếp vào nhau sau nhiều năm tiến hành cuộc chiến ngầm.
Hôm 1/10, Iran đã phóng ít nhất 180 tên lửa đạn đạo về phía Israel. Cuối tuần trước, một máy bay không người lái (UAV) của Hezbollah, nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn hoạt động tại Lebanon, đã nhắm vào dinh thự riêng của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Sự việc đã làm gia tăng các mối đe dọa trả đũa của Israel đối với Iran, và điều này đã trở thành hiện thực vào ngày 26/10.
Còn hiện tại, khu vực này một lần nữa rơi vào cảnh chờ đợi quyết định của Iran về việc có đáp trả đòn không kích của Israel hay không.
Hôm 27/10, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố thiệt hại từ cuộc tấn công của Israel "không nên được phóng đại, hay hạ thấp". Song ông không nói rõ liệu Tehran có ý định trả đũa hay không.
Còn theo bà Zablodovsky, nhà lãnh đạo Iran Khamenei sẽ không dễ dàng từ bỏ "dự án kéo dài 40 năm nhằm phá hủy Israel".
Cho tới nay, phạm vi và thiệt hại mà đòn không kích mới nhất của Israel vào Iran vẫn chưa được tiết lộ đầy đủ. Theo thông tin được truyền thông dẫn lời giới chức giấu tên của Israel, Mỹ và Iran, khả năng sản xuất tên lửa đạn đạo tầm xa, và UAV của Iran đã bị tê liệt. Các báo cáo khác cho rằng, khả năng phòng không của Iran cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Hình ảnh vệ tinh còn cho thấy, thiệt hại rõ ràng ở các cơ sở quân sự tại Parchin và Khojir của Iran.
Trong nhiều thập kỷ, Iran đã tài trợ và trang bị vũ khí cho nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon, và xem đây như một nền tảng trong chiến lược an ninh. Do Iran và Israel cách nhau hơn 1.600km, sự hiện diện của Hezbollah gần biên giới Israel đã giúp Iran ngăn chặn đòn tấn công từ Israel. Nhưng hiện tại, chiến lược răn đe này dường như đã thất bại.
"Nếu trước đây, khả năng Israel tấn công các cơ sở hạt nhân Iran mà không có sự hậu thuẫn của Mỹ là rất thấp, nhưng giờ đây điều này đã thay đổi. Nhìn về tương lai, với việc năng lực Hezbollah hiện bị suy yếu, cùng năng lực hoạt động tự do của Israel trên không phận Iran, việc Israel lựa chọn tấn công cơ sở hạt nhân của Iran không nên bị loại trừ. Israel đã phá vỡ rào cản sợ hãi của mình bằng cuộc tấn công hôm 26/10", ông Citrinowicz nhấn mạnh.