Đang có khá nhiều quy định về sở hữu, sử dụng và giao dịch bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.
Công an tỉnh Hậu Giang vừa hoàn trả 340.000 đôla Mỹ và 110.000 đôla Úc (tương đương hơn 9,5 tỉ đồng) cho ông Trương Văn Thạch, ngụ TP Vị Thanh, Hậu Giang. Trước đó, ngày 9-2, khi ông Thạch đang di chuyển trên đường thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện. Tại công an, do số tiền trên ông Thạch không chứng minh được nguồn gốc nên bị niêm phong để làm rõ. Sau gần 20 ngày xác minh, công an tỉnh nhận định ông Thạch không có dấu hiệu của hành vi buôn bán hoặc vận chuyển trái phép qua biên giới. Sau khi trao đổi với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), công an tỉnh đã trả lại như trên.
Bị hạn chế giao dịch
Từ sự việc này hàng loạt vấn đề pháp lý được đặt ra. Người dân có quyền sở hữu bao nhiêu ngoại tệ, có phải đăng ký, kê khai với cơ quan nhà nước? Cạnh đó người sở hữu có phải chứng minh nguồn gốc ngoại tệ, có được kinh doanh, khi nào thì bị tịch thu hay xử phạt?
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, ngoại tệ là một loại tài sản. Luật không quy định người nắm giữ ngoại tệ phải khai báo hay đăng ký với cơ quan chức năng. Công dân Việt Nam và người cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được sở hữu ngoại tệ không phải khai báo, trừ những người mà Điều 44 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định phải kê khai tài sản. Người dân cũng không bị hạn chế về số lượng ngoại tệ sở hữu và không phải chứng minh nguồn gốc.
Điều 24 Pháp lệnh Ngoại hối và Điều 13 Nghị định 70/2014 (hướng dẫn việc sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân) quy định cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép. Họ cũng được chuyển, mang ra nước ngoài theo các quy định, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt. Công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi.
Luật sư (LS) Trương Thanh Đức (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam) cũng cho rằng người dân có quyền sở hữu ngoại tệ, không phải chứng minh nguồn gốc và kê khai (trừ trường hợp xuất nhập cảnh nếu quá 5.000 USD). Thậm chí họ còn được thực hiện một số giao dịch bằng ngoại tệ. Vì nó là một loại tiền, một loại tài sản được bảo vệ quyền sở hữu theo Điều 163 BLDS 2015. Điều 42 Luật Hợp tác xã và Điều 35 Luật Doanh nghiệp quy định ngoại tệ có thể được sử dụng để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã. Cạnh đó, Điều 8 Pháp lệnh Ngoại hối và Điều 13 Nghị định 70/2014 (thi hành Pháp lệnh Ngoại hối) thì cá nhân được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế; gửi, bán, mua tại tổ chức tín dụng; chuyển, mang ra nước ngoài và thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ…
Sau khi xác minh, Công an tỉnh Hậu Giang đã trả lại ngoại tệ cho ông Thạch. |
Tuy nhiên, LS Đức cũng dẫn ra các trường hợp ngoại tệ bị hạn chế giao dịch tại Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối. Theo đó, ngoại tệ bị hạn chế trong mọi giao dịch thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác, trừ khi được phép theo quy định. Thông tư 32/2013 của NHNN giải thích rõ hơn cụm từ “các hình thức tương tự” gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận. Theo LS Đức, nếu vi phạm các quy định này thì bị tịch thu và xử phạt hành chính từ 40 đến 600 triệu đồng theo Nghị định 96/2014 (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng).
Siết chặt khi xuất, nhập cảnh
Ông Nguyễn Hoàng Minh (Phó Giám đốc NHNN, Chi nhánh TP.HCM) cho biết Thông tư 15/2011 của NHNN quy định cá nhân xuất nhập cảnh bằng hộ chiếu được phép mang tối đa 5.000 đôla Mỹ hoặc các ngoại tệ khác quy đổi tương đương 15 triệu đồng. Nếu mang trên mức này thì phải khai báo với hải quan. Nếu xuất nhập cảnh qua sân bay, hải cảng mà mang theo quá quy định và không chứng minh được nguồn gốc là vận chuyển trái phép ngoại tệ. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật Hải quan. Ngoài ra người vi phạm còn bị xử phạt theo điểm i Điều 24 Nghị định 96/2014 của Chính phủ. Theo đó, phạt tiền từ 40 đến 80 triệu đồng nếu vi phạm vận chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định và bị tịch thu toàn bộ số tiền đó.
Bà Lê Thị Thanh Hà (Phó Trưởng phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan TP.HCM) cho biết khi xuất nhập cảnh mà không khai báo hoặc khai sai với số ngoại tệ lớn thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự. Với vi phạm nhỏ thì tùy theo trị giá số tiền không khai báo sẽ có mức xử phạt hành chính với số tiền tương ứng.
Cũng theo ông Minh, người nhập cảnh có gửi ngoại tệ vào tài khoản ngân hàng cũng phải khai báo với hải quan. Nếu xuất nhập cảnh bằng chứng minh nhân dân hoặc giấy thông hành biên giới như sang Lào, Campuchia, Trung Quốc thì không được đem theo đôla Mỹ hay ngoại tệ khác. Họ chỉ được đem theo tiền Việt và đồng tiền của nước sẽ đến. Những người được phép mua và chuyển ngoại tệ ra nước ngoài được quy định tại Điều 7 Nghị định 70/2014. Theo đó, chỉ khi dùng cho mục đích học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, đi công tác, đi du lịch, đi thăm thân nhân và trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài, chuyển tiền thừa kế.
Ai được kinh doanh ngoại tệ?
Theo Luật NHNN Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Pháp lệnh Ngoại hối… thì tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối… Theo LS Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM), nếu căn cứ vào quy định trên thì cá nhân có quyền sở hữu nhưng không được phép kinh doanh ngoại tệ. Tuy nhiên, nếu chỉ có việc vận chuyển ngoại tệ như ông Thạch mà không chứng minh được ông kinh doanh thì không thể nói ông này vi phạm để thu giữ. Giả thiết ông Thạch là chủ tiệm vàng thì khi phát hiện ông mang ngoại tệ trên đường cũng không đồng nghĩa với việc ông kinh doanh trái phép. Vì thế dù chủ tiệm vàng có quyền kinh doanh ngoại tệ hay không cũng không có nghĩa vụ phải chứng minh nguồn gốc. |
(Theo Pháp luật TP.HCM)