Những người chống Hitler
Hai vợ chồng Harnack. Ảnh: Warhistoryonline |
Theo trang warhistoryonline, Dàn hợp xướng đỏ gồm cả người theo chủ nghĩa Cộng sản và Dân chủ xã hội cùng một số thành phần khác. Họ có xuất thân rất khác nhau nhưng đoàn kết lại để cùng phản đối trùm phát xít Đức Adolf Hitler.
Một thành viên của Dàn hợp xướng đỏ là Mildred Harnack. Sinh ra ở Wisconsin (Mỹ) trong một gia đình di cư người Đức, Mildred chuẩn bị lấy bằng tiến sĩ và là giảng viên văn học Đức tại Đại học Wisconsin-Madison.
Tại đây, Mildred gặp Arvid Harnack, một nhà kinh tế học và học giả ngành luật người Đức. Họ kết hôn không lâu sau đó. Mildred đã dạy học một năm tại một trường đại học ở Baltimore trước khi chuyển tới Đức cùng chồng năm 1929.
Mildred sinh ra ở Wisconsin. Ảnh:Ảnh: Warhistoryonline |
Arvid Harnack xuất thân từ một gia đình danh giá có người thân làm giáo viên, luật sư và nhà kinh tế. Anh gia nhập nhóm những người tinh tú ở Berlin đầu những năm 1930. Một trong số các anh em họ của Arvid là Hans von Dohnanyi - thành viên của một tổ chức quân sự sau này có kế hoạch giết Hitler.
Giống như nhiều người sống trong thời kỳ cuộc Đại suy thoái (1929-1930), Arvid rất yêu thích mô hình kinh tế Liên Xô mà theo anh có thể giúp tránh được các thảm họa suy thoái tương tự. Arvid cũng ủng hộ chủ nghĩa cộng sản Liên Xô thời bất giờ. Arvid lấy bằng tiến sĩ sau khi bảo vệ luận văn viết về các phong trào của công nhân Mỹ và sự chuyển biến tư tưởng của họ sang chủ nghĩa Cộng sản.
Xét về mọi mặt, Mildred có tư tưởng chính trị giống chồng. Họ cùng với 50 giáo viên và nhà kinh tế thành lập một nhóm nghiên cứu về các khả năng của nền kinh tế kế hoạch theo mô hình Liên Xô. Các thành viên tới từ nhiều thành phần trí thức tinh túy của Đức: nhà văn, nghệ sĩ, chính trị gia… Nhóm này được thành lập ngay trước khi Hitler lên cầm quyền.
Arvid Harnack.Ảnh: Warhistoryonline |
Khi Hitler cầm quyền, nhóm nghiên cứu giải tán. Sự tồn tại của nhóm không hoàn toàn bất hợp pháp và các thành viên nhóm không phải là thành viên của Đảng Cộng sản Đức nên họ đã thoát khỏi các đợt thanh trừng chống cộng đầu tiên mà Hitler thực hiện năm 1933.
Trong giai đoạn đầu của thời kỳ Hitler, nhà Harnack phát triển mạnh hơn khi Arvid có thêm một tấm bằng luật và được chọn vào làm trong Bộ Kinh tế. Về phần mình, Mildred làm biên dịch viên, trợ giảng tiếng Anh và văn học Anh/Mỹ. Cô cũng tham gia các tổ chức người Mỹ ở nước ngoài. Cô cùng chồng đi Liên Xô và quay trở về Mỹ cuối những năm 1930.
Trong số những người mà vợ chồng Harnack qua lại, họ gặp một số nhân vật có ảnh hưởng, nhiều người có tư tưởng tự do và mong muốn Hitler bị lật đổ. Hai vợ chồng Harnack đã thành lập một nhóm thảo luận, bàn về tương lai của nước Đức và chính trị Đức khi có và không có Hitler. Đây là hành động rất nguy hiểm vì một số cuộc bàn luận mang rõ tư tưởng chống Đức quốc xã và những người tham gia rất dễ bị tố giác.
Gửi thông tin cho Liên Xô
Harro Schulze-Boysen. Ảnh: Warhistoryonline |
Năm 1936, vợ chồng Harnack và nhóm này liên lạc với một sĩ quan Không quân Đức tên là Harro Schulze-Boysen và vợ là Libertas. Vợ chồng Schulze-Boysen đều thuộc tầng lớp tư sản có tước vị và có thông tin sâu rộng không chỉ về quân đội mà còn về giới quý tộc và tầng lớp thượng lưu công nghiệp.
Có một thời gian Libertas làm việc trong bộ phận điện ảnh của Bộ Tuyên truyền và chứng kiến những người Đảng quốc xã bóp méo sự thật và nói dối trắng trợn. Harro làm nhiều vị trí trong Không quân Đức và tiếp cận nhiều bí mật về lực lượng này.
Cuối những năm 1930, Harro Schulze-Boysen đã liên lạc với những người Liên Xô và đề nghị gửi thông tin và được phía Liên Xô vui mừng đồng ý. Harro cũng tìm cách liên lạc với người Mỹ nhưng do người Mỹ nghi ngờ người Đức nên họ không hợp tác.
Hitler (phải) chào các thành viênSturmabteilung, tổ chức bán quân sự của đảng Đức quốc xã. Ảnh: Warhistoryonline |
Từ năm 1936 trở đi, vợ chồng Harnack làm bạn bè với vợ chồng Schulze-Boysens và những người khác trong nhóm. Thông qua Harro và những người khác, Arvid đã gửi Liên Xô thông tin về tình hình sản xuất và kinh tế Đức.
Nhóm này chưa bao giờ chính thức tổ chức các cuộc họp lớn vì sẽ quá nguy hiểm. Thay vào đó, họ gặp mặt tại các cuộc họp xã hội và thỉnh thoảng mới tổ chức. Họ cực kỳ may mắn vì thực tế là không ai biết gì về do thám.
Từ lúc họ bắt đầu gửi thông tin cho người Liên Xô cuối những năm 1930 cho tới cuối cùng, họ đã tuyển cả công nhân, tư sản và những người khác để làm cho họ dựa trên bản năng và người khác giới thiệu.
Harro Schulze-Boysen và vợ chồng Harnack cố gắng gửi thông tin cho cả phương Tây và Liên Xô trước khi chiến tranh nổ ra, nhưng chỉ có Liên Xô tiếp nhận thông tin. Nhóm cung cấp một lượng lớn thông tin cho Liên Xô về ý định xâm chiếm của Đức nhưng không được để ý. Khi thông tin này được chứng minh là thật thì vợ chồng Harnack mới được lắng nghe hoàn toàn.
Trong thời gian này, công việc chủ yếu của Mildred Harnack là tuyển thêm thành viên cho nhóm. Là một người quen biết nhiều người trong giới văn học, giáo dục, xã hội, Mildred đã liên hệ với rất nhiều người. Vai trò này khiến cô chịu hậu quả lớn. Không lâu sau, cô bị chứng lo âu nghiêm trọng cùng với những cơn đau đầu, đau bụng do căng thẳng kéo dài.
Kết kục bi thảm
Nơi Mildred bị treo cổ. Ảnh: Warhistoryonline |
Trong suốt năm 1941 và 1942, nhóm gửi thông tin cho Liên Xô. Thỉnh thoảng, cảnh sát mật Đức bắt được tín hiệu mã hóa của một trong những người hoạt động cho nhóm. Tháng 7/1942, họ phá được mật mã của một thành viên. Trong vòng vài tuần sau đó, mật vụ Đức mở rộng điều tra và đặt tên cho nhóm này là "Dàn hợp xướng đỏ". Cuối tháng 8 và đầu tháng 9 năm đó, cảnh sát Đức bắt đầu bắt các thành viên nhóm.
Vợ chồng Schulze-Boysens bị bắt vào ngày cuối cùng tháng 8, còn vợ chồng Harnack bị bắt một tuần sau đó trên bờ biển phía Bắc nước Đức, nơi một số người cho rằng họ định trốn sang Thụy Điển trung lập. Nhiều thành viên khác của nhóm khắp nước Đức cũng bị bắt.
Đài tưởng niệm Harro ở Đức. Ảnh: Warhistoryonline |
Vợ chồng Schulze-Boysens và Harnack lần lượt bị hành quyết trong mùa Đông 1942-1943. Họ bị treo cổ tại nhà tù Plötzensee. Phương thức treo cổ rất dã man: dùng dây đàn piano và móc thịt để gây ra cái chết đau đớn nhất. Ban đầu, Mildred bị kết án 6 năm tù vì cô đóng vai trò tương đối nhỏ nhưng đích thân Hitler đã can thiệp và ra lệnh tử hình.
Xác họ bị treo trong nhiều ngày sau đó và cuối cùng được giao cho một nhà nghiên cứu bệnh học để làm thí nghiệm và phân xác. Không ai tìm thấy dấu vết gì của thi thể họ sau đó.
Ngày nay, các thành viên của Dàn hợp xướng đỏ là anh hùng trong phong trào phản kháng chủ nghĩa phát xít. Cuộc sống và hành động của họ mãi bất tử khi họ được tạc tượng, đặt tên cho đường phố và đài tưởng niệm khắp nước Đức.
Đáng buồn là người Mỹ Mildred Harnack cùng với một số thành viên khác trở thành nạn nhân của Chiến tranh Lạnh sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Họ bị giới chức Mỹ tẩy chay và Mildred không bao giờ được vinh danh một cách xứng đáng.
Theo baotintuc.vn