Dự án Đường giao thông kết nối Khánh Hòa với Ninh Thuận và Lâm Đồng sẽ góp phần hiện thực hóa được mục tiêu tại Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thực hiện quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2030, trong đó phát triển huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh thành các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.

Tuyến đường hình thành sẽ tạo điều kiện phát triển du lịch, giao lưu văn hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông, lâm nghiệp sang dịch vụ, khai thác tiềm năng phát triển du lịch. 

W-khanhhoa.png
Đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng góp phần phá thế độc đạo cho các huyện miền núi

Để hiện thực hóa điều đó, UBND huyện Khánh Sơn đã xây dựng Đề án phát triển du lịch đến năm 2030. Đề án tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch địa phương. Cụ thể, đó là các sản phẩm du lịch sinh thái, như: Tham quan khám phá núi rừng, danh lam thắng cảnh đẹp (thác Tà Gụ, săn mây, rừng thông...) và du lịch văn hóa - lịch sử, như: Tham quan một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai, trải nghiệm tìm hiểu văn hóa bản địa, tìm hiểu các điểm du lịch tâm linh và di tích lịch sử.

Gợi mở về hướng phát triển khi hình thành tuyến đường kết nối 2 huyện, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, trong tương lai khi tuyến đường đưa vào khai thác, 2 địa phương này sẽ được đánh thức tiềm năng để trở thành các tiểu đô thị sinh thái có yếu tố núi rừng. Đây phải là nơi cung cấp trái cây cho toàn tỉnh cũng như giao thương ngoại tỉnh. Đồng thời, 2 huyện cũng phải là điểm đến du lịch tâm linh, văn hóa, cảnh quan núi rừng, khí hậu vì có những nơi rất mát giống như Đà Lạt thu nhỏ. Ngoài ra, cả hai địa phương có diện tích lớn, có dư địa phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

“Bây giờ phát triển nông nghiệp cần hình thành các trang trại lớn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Trong tương lai, 2 huyện nên có những vườn cây sản xuất theo tiêu chuẩn cao để xuất khẩu, kết hợp với đầu tư công nghệ chế biến để tránh tình trạng “được mùa mất giá” hay “được giá mất mùa”. Bên cạnh đó, cần phát triển những trại giống lớn để dần trở thành những trung tâm giống lớn. Trong định hướng phát triển, 2 huyện cũng cần quan tâm đào tạo lực lượng lao động trẻ có trình độ”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.  

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Chí Công - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Nha Trang cho rằng, tiềm năng của Khánh Sơn và Khánh Vĩnh rất lớn, nhưng chưa được khai thác, mà cái khó lớn nhất là hệ thống hạ tầng giao thông chưa được đầu tư bài bản, đồng bộ. Vì vậy, hiện nay, Nhà nước quan tâm làm đường kết nối liên vùng sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho 2 địa phương. Tuy nhiên, để có thể khai thác tốt được tiềm năng, lợi thế thì 2 huyện phải phát triển được các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với thế mạnh của từng địa phương như du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, các mô hình homestay và phải kết nối được với các mạng lưới ở khu vực xung quanh, như: Đà Lạt, Buôn Ma Thuột (tỉnh Lâm Đồng)…