Doanh nghiệp lao đao
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã tiến hành khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 87,2% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Các lĩnh vực như dệt may, truyền thông, bất động sản, sản xuất thiết bị điện, xe có động cơ, giáo dục, lao động, bán lẻ, điện tử, du lịch,... bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Đa số doanh nghiệp cho biết dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, đến dòng tiền và nhân công của họ. Cụ thể, có 50% doanh nghiệp tư nhân 50% và 63% doanh nghiệp FDI gặp khó hăn trong tiếp cận khách hàng. Có 33% số doanh nghiệp tư nhân và 41% doanh nghiệp FDI bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Có 46% doanh nghiệp tư nhân và 42% doanh nghiệp FDI bị cân đối dòng tiền. Có 35% doanh nghiệp tư nhâ và 22% doanh nghiệp FDI phải cho lao động nghỉ việc do kinh doanh suy giảm. Đối với các doanh nghiệp tư nhân trung bình cho nghỉ 10 lao động, còn các doanh nghiệp FDI là 38 lao động.
Số lượng lao động phải cho nghỉ việc ở mỗi doanh nghiệp do dịch bệnh Covid-19 theo khu vực kinh tế được tính toán từ số liệu các doanh nghiệp có cung cấp thông tin. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, trung bình phải cho 10 lao động nghỉ việc, còn doanh nghiệp FDI 38 lao động.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết, nếu như số lao động trong ngành du lịch năm 2019 cả nước là 2,9 triệu người thì kể từ khi dịch Covid bùng phát đến nay, gần 90% đã nghỉ việc hoặc tạm thời ngừng làm việc.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, các doanh nghiệp mới hoạt động là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất. Cụ thể, có 89% doanh nghiệp tư nhân và 92% doanh nghiệp FDI đi vào hoạt động dưới 3 năm chịu ảnh hưởng phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực bởi dịch bệnh. Tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng phần lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực, có xu hướng giảm khi số năm hoạt động của doanh nghiệp gia tăng. Song vẫn có tới 84% doanh nghiệp tư nhân và 85% doanh nghiệp FDI có trên 20 năm hoạt động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở mức lớn hoặc hoàn toàn tiêu cực.
Dịch Covid-19 có tác động nghiêm trọng tới doanh thu của các doanh nghiệp trong năm 2020. Có 65% doanh nghiệp tư nhân và 62% doanh nghiệp FDI cho biết doanh thu của họ bị giảm so với năm 2019. Doanh thu giảm nhiều hơn với các doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong khi đó, với doanh nghiệp FDI, mức suy giảm doanh thu dự kiến lại xảy ra nhiều hơn với cácdoanh nghiệp quy mô lớn. Kết quả khảo sát cho thấy mức giảm doanh thu trung bìnhvới doanh nghiệp tư nhân là 36%, và doanh nghiệp FDI là 34%.
Tiếp cận hỗ trợ khó khăn
Về các gói hỗ trợ của Chính phủ, theo kết quả khảo sát, một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, cùng miễn giảm một số loại phí, lệ phí... nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Gói cho vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cho biết, không thể tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp từ ngân hàng.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết một số chính sách hỗ trợ còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, mà cơ bản là các điều kiện tiếp cận được các gói hỗ trợ quá ngặt nghèo, thiếu thực tế. Doanh nghiệp phải chứng minh rất nhiều thứ, không chỉ là về vấn đề tiêu chuẩn mà cònphải chứng minh về tài chính. Doanh nghiệp thì rất ngại phải đi chứng minh trên sổ sách kế toán làdoanh nghiệp mình “không có khả năng chi trả” để rồi các cơ quan Nhà nước vào kiểm tra đánh giá. Nhiều doanh nghiệp bỏ qua các quyền lợi vì để đạt được quyền lợi thì gặp rất nhiều “rắc rối”. Đây là trở ngại chính khiến các gói hỗ trợ khó tiếp cận và kém hữu ích với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong đại dịch hầu hết các doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực. Có tới 92% doanh nghiệp tư nhân và 96% doanh nghiệp FDI cho biết đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ứng phó. Đó là chủ động triển khai phương thức, mô hìnhlàm việc mới, linh hoạt, tìm kiếm các giải pháp mới, thay thế chuỗi cung ứng, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Ông Shawn W.Tan, chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam cho biết, sự chuyển dịch sang công nghệ số, hoạt động trên nền tảng số của các doanh nghiệp tham gia khảo sát đã tăng nhanh trong năm 2020. Đỉnh cao là mức tăng 48% vào tháng 6/2020, sau đó giảm, chỉ còn tăng 11% vào tháng 10/2020. Hiện có 12% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho thấy, đã đầu tư vào chuyển đổi số, nhưng chủ yếu là các doanh nghiệp cỡ vừa và cỡ lớn. Nhiều điều chỉnh về nền tảng số được các doanh nghiệp thực hiện như tiếp xúc trực tuyến, bán hàng trực tuyến… nhưng ở những công đoạn sau của hoạt động sản xuất kinh doanh phức tạp hơn thì vẫn chưa áp dụng.
VCCI cũng nêu kiến nghị của các doanh nghiệp, theo đó Chính phủ cần tiếp tục miễn giảm, gia hạn nộp thuế, phí; giảm lãi suất, giảm các chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi.
Về dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng. Quan trọng hơn, cần cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính, nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của doanh nghiệp.
Trần Thủy