Lễ kỷ niệm lần thứ70 ngày Chiến thắng Phát xít vừa qua tại Moscow là kỳ duyệt binh lớn nhất trong lịch sử Nga hiện đại, với 16.000 quân nhân, 200 xe quân sự, 150 máy bay chiến đấu.


{keywords}
Cùng lúc, những tàu chiến phô trương sức mạnh ở ngoài khơi – từ Vladivostok ở Thái Bình Dương cho tới Sevastopol ở Biển Đen, tới Severomorsk ở vùng biển Bắc cực và Baltiysk ở biển Baltic. 

Đỉnh điểm cho cuộc duyệt binh tại Quảng trường Đỏ là kết quả sau nhiều tháng chuẩn bị diễn tập, kỷ niệm 70 năm chiến thắng của Liên Xô trong cuộc chiến Vệ quốc vĩ đại chống lại Phát xít Đức. 

Tạp chí National Interest đăng tải phân tích của ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung Carnegie Moscow, nhận định rằng sự kiện trên cùng lúc gửi đi rất nhiều thông điệp quan trọng cho các bên liên quan.

Một ngày hơn mọi ngày

Đối với người dân Nga nói chung, ngày 9/5 còn hơn cả một ngày Chiến thắng trong một cuộc chiến kéo dài gần 4 năm, cướp đi sinh mạng của 28 triệu người. Kể từ thời kỳ Xô Viết, đây được coi là một ngày quốc khánh thật sự, thậm chí còn rầm rộ hơn những ngày quốc lễ chính thức là Cách mạng Tháng Mười và Ngày nước Nga vào tháng Sáu. 

Qua những gian khổ và khắc nghiệt mà người dân Nga đã cùng chịu đựng để bảo vệ đất nước đã định hình và hình thành nên một nước Nga hiện đại, và giữ họ sát cánh bên nhau, thậm chí ngay sau khi Liên Xô sụp đổ. Việc kỷ niệm cuộc chiến trở thành thiêng liêng và trong một cuộc thăm dò gần đây, với hầu hết người dân Nga, ngày 9/5 thậm chí còn quan trọng hơn cả ngày sinh nhật của cá nhân họ.

Sức mạnh quân sự

Điều quan trọng nhất trong một lễ duyệt binh chính là quân đội. Từ sau khi Liên Xô sụp đổ, sức mạnh quân sự thông thường của Nga đã sụt giảm nghiêm trọng. Bất chấp quản lý yếu kém và tình trạng tham nhũng, Nga vẫn tiến hành cải cách quân đội thành công. Những lộn xộn mà quân đội Nga thể hiện năm 2008 trong cuộc chiến tại Gruzia và hành động ‘chính xác như máy’ trong chiến dịch tại Crưm năm ngoái khác nhau ‘một trời một vực’. 

Vô số tiền đổ vào công cuộc hiện đại hóa quân đội đã cho ra những sản phẩm vũ khí tân tiến. Duyệt binh vừa qua đã phô trương loại xe tăng chiến đấu thế hệ mới và các xe chiến đấu bộ binh mới, cũng như hệ thống phòng không S-400, và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động RS-24. Để đáp ứng vị thế cường quốc quân sự, Nga cần tăng tốc, nhưng rõ ràng là Moscow đã có những bước tiến lớn.

Phương Tây xa lánh Nga

Sự hiện diện của các lãnh đạo nước ngoài trong lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ là nội dung được nhiều người quan tâm. Điều đó cho thấy vị trí của Nga trên trường quốc tế vào lúc này. Dễ nhận thấy chỗ trống mà các lãnh đạo phương Tây để lại kể từ lễ duyệt binh từ 5 năm trước.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói cảm ơn nước Anh, Pháp và Mỹ, nhưng ông cũng chỉ trích các nỗ lực nhằm áp đặt chủ nghĩa đơn cực trên toàn cầu và việc sử dụng lực lượng quân sự để làm suy yếu trật tự thế giới sau Thế chiến II. Trong mắt người dân Nga, họ coi việc các lãnh đạo phương Tây từ chối tham dự lễ duyệt binh tại Moscow là sự xác tín về một thời kỳ đối đầu mới giữa Nga và phương Tây.

‘Khối thân thiện’ Nga – Trung

Vị khách nổi bật trên khán đài hôm 9/5 vừa qua là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kênh truyền hình Nga liên tục phát đi phát lại cảnh ông Tập Cận Bình và ông Putin trò chuyện thân mật với nhau. Họ cùng nhìn cảnh một đơn vị của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) lần đầu tiên tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ và hệ thống tên lửa S-400 đi ngang qua lễ đài. Có nhiều thông tin về việc Nga sắp bán S-400 cho Trung Quốc.

Một ngày trước đó, ông Putin và ông Tập Cận Bình đã chứng kiến cảnh hàng loạt hợp đồng hợp tác kinh tế được ký kết giữa đôi bên. Tại cuộc họp báo, ông Putin đã nói về ‘không gian kinh tế chung Á – Âu’ sẽ được xây dựng bằng cách làm hài hòa chiến lược ‘một vành đai, một con đường’ của Trung Quốc với Liên minh Kinh tế Á – Âu. 

Đây là một bước khởi đầu rõ ràng cho ý tưởng của ông Putin về một ‘châu Âu rộng lớn hơn’ từ 5 năm trước. Một số lãnh đạo khác từ khối này như Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan cũng có mặt tại Quảng trường Đỏ.

Việc nối lại tình hữu nghị này có ý nghĩa hơn nhiều chứ không chỉ là vấn đề địa kinh tế: trong bài phát biểu hôm 9/5, ông Putin làm nổi bật vai trò và những hy sinh của Trung Quốc trong Thế chiến II trong cuộc chiến chống Nhật.

Vị trí của Nga bên ngoài thế giới phương Tây

Các lãnh đạo khác trên thế giới có mặt tại Moscow hôm 9/5 phần lớn đến từ châu Á (Ấn Độ, Việt Nam, Mông Cổ), Trung Đông và châu Phi (Ai Cập, Palestine, Nam Phi, Zimbabwe) và Mỹ Latinh (Cuba, Venezuela). Dần dần theo lối này, Nga sẽ tự coi mình là một quốc gia không phải phương Tây. 

Trong vòng hai tháng, Tổng thống Putin sẽ chủ trì hai hội nghị thượng đỉnh, một của khối BRICS và của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Đây đều là hai hội nghị mà sự hiện diện Trung Quốc đều ở vị thế nổi bật. 

Hợp tác mật thiết chưa từng có giữa Trung Quốc và Nga trong các diễn đàn trên và tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể dẫn tới sự hợp nhất hơn nữa của khối ‘phi phương Tây’ khi mà trật tự toàn cầu không ngừng thay đổi.

Vị lãnh đạo duy nhất của phương Tây tới Moscow sau lễ duyệt binh là Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hôm 10/5, bà Merkel đã tưởng niệm các nạn nhân của Thế chiến II và có cuộc hội đàm với ông Putin về vấn đề Ukraina. 

Khoảng cách chính trị giữa Moscow và Berlin ngày càng bị nới rộng ra. Giống như Thế chiến II, mối quan hệ đặc biệt Nga – Đức với vai trò như trụ cột hợp tác ở châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh giờ cũng lùi dần vào dĩ vãng.

Lê Thu