Sáng mùng 5 Tết (ngày 16/2), anh Nguyễn Văn Phương ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng, Hải Dương) vẫn ngồi ở nhà ngóng thương lái tới mua cà rốt của gia đình mình. Anh nói: “Cánh đồng cà rốt ở thôn của tôi vẫn còn màu xanh bạt ngàn vì dân thu hoạch chưa nhiều. Nhưng giờ dịch Covid-19 thì đành chịu thôi. Mong sao cho dịch mau qua đi để bà con còn bán được cà rốt không thì hỏng hết”.

Anh tâm sự, gia đình anh trồng hơn 1 mẫu cà rốt. Trong Tết mới thu hoạch được 3 sào, mỗi sào bán được 7 triệu đồng, trừ đi chi phí lãi được khoảng 3,5 triệu đồng. Anh nghĩ, dịp này vào đợt thu hoạch rộ cà rốt thì sẽ thu được khoản lãi kha khá.

Thế nhưng bây giờ thực hiện giãn cách xã hội, thương lái ngại đến mua bởi thu mua xong chở cà rốt ra khỏi địa bàn lại bị cách ly. Thành ra, cà rốt đến kỳ thu hoạch rồi mà không bán được.

{keywords}
Sản lượng cà củ vụ đông tại tỉnh Hải Dương còn khoảng gần 100 ngàn tấn

“Với diện tích còn lại, sản lượng ước tính khoảng 16-17 tấn cà rốt nữa. Thời gian trồng kéo dài gần 4 tháng rồi, không nhổ nhanh sẽ thất thu vì thối hỏng hết”, anh nói.

Theo anh, cà rốt trồng có đặc điểm đến kỳ thu hoạch củ sẽ bóng đẹp, không bị thối hỏng. Nhưng trồng trên 4 tháng mà gặp trời mưa nhiều, hoặc nắng to thì cà rốt sẽ bị hỏng nhiều. Lúc đó bán cũng mất giá bởi ngoài tỷ lệ thối hỏng cao, những củ còn lại chất lượng cũng kém.

Chị Thuỳ ở xã Đức Chính than thở, nhà chị còn 1 mẫu cà rốt nữa đến kỳ thu hoạch nhưng thương lái thu mua rất chậm.

Theo người dân ở xã Đức Chính, trong Tết thương lái đã đến ruộng đặt mua cà rốt của dân trước. Dịp này dịch bệnh, họ ưu tiên “chạy hàng” những diện tích họ đã đặt trước đó, hạn chế mua thêm nên nhiều nông dân vẫn ngồi chờ thương.

Tại Hải Dương đang thực hiện cách ly xã hội toàn từ từ 0h ngày 16/2 do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến việc sản xuất, tiêu thụ nông sản của nông dân vốn đã chịu ảnh hưởng đáng kể nay càng khó khăn hơn.

Theo báo cáo mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh này, tính đến ngày 14/2, trên địa bàn tỉnh còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch. Trong đó, có 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá. 

Sản lượng ước tính khoảng 90.767 tấn. Cụ thể, hành ước khoảng 56.000 tấn nhưng chủ yếu được bảo quản tại nông hộ và tiêu thụ nội địa. Bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá cũng chủ yếu tiêu thụ nội địa. Cà rốt 26.766 tấn nhưng có đến 90% là xuất khẩu, chỉ có 10% tiêu thụ nội địa đang gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển và tiêu thụ.

{keywords}
Thương lái thu mua cà rốt rất chậm khiến người nông dân lo lắng

Để bảo đảm việc phòng dịch và vận chuyển nông sản được thuận lợi, Sở NN-PTNT đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, các Sở, ngành có liên quan tạo điều kiện để các xe vận chuyển nông sản  (cà rốt, hành, tỏi, bắp cải, súp lơ,... ) được ra vào các địa phương được thuận lợi.

Đề nghị hệ thống Y tế ưu tiên lấy mẫu, xét nghiệp Covid-19 cho toàn bộ công nhân người lao động và lái xe của các cơ sở sơ chế, đóng gói cà rốt trên địa bàn các xã: Đức Chính, Cẩm Văn, (Cẩm Giàng) và Tiền Tiến (TP. Hải Dương) và trả lời kết quả sớm để các doanh nghiệp, cơ sở có thể quay trở lại hoạt động ngay từ ngày 15/2/2021 cho kịp thời vụ.

Trước đó, báo cáo của Bộ NN-PTNT cũng nêu rõ, với các loại rau màu cần tiêu thụ ngay, ưu tiên tiêu thụ tại các cơ sở thu mua và chế biến, tiêu thụ trong tỉnh như: siêu thị, nhà máy chế biến, chợ...

Còn cây cà rốt được thu hoạch từ nay đến cuối tháng 3/2021, trong đó diện tích cà rốt củ còn nhỏ khuyến khích nông dân giữ tại ruộng, tiếp tục chăm sc chờ tiêu thụ khi hết dịch. Riêng cà rốt đến kỳ thu hoạch tiêu thụ tại các doanh nghiệp trong tỉnh. Sau khi sơ chế, đóng gói, mang đi siêu thị trong nước và xuất khẩu. Khi vận chuyển ra ngoài tỉnh cần có phương pháp chuyển tải hoặc đổi lái xe ở cửa ngõ tỉnh, áp dụng biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

C.Giang