Elon Musk mất ngôi người giàu nhất thế giới

Theo Bloomberg Billionaires Index, Jeff Bezos mới đây đã giành lại danh hiệu người giàu nhất thế giới khi vượt qua tỷ phú Elon Musk. Giá trị tài sản ròng của người sáng lập Amazon vào khoảng 200 tỷ USD.

elon musk.png
Tỷ phú Elon Musk mất ngôi người giàu nhất thế giới vào tay Jeff Bezos.

Bám sát phía sau là Elon Musk, ông chủ mạng xã hội X với 198 tỷ USD. Tài sản của Musk đã giảm khoảng 31 tỷ USD trong một năm qua, trong khi Bezos kiếm được 23 tỷ USD. 

Tháng 5/2023, tỷ phú Musk đã giành danh hiệu người giàu nhất thế giới, vượt qua Giám đốc điều hành (CEO) của LVMH là Bernard Arnault, người điều hành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới và sở hữu các thương hiệu như Louis Vuitton, Dior và Celine.

Ba tỷ phú bao gồm Musk, Arnault và Bezos đã thay nhau chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng người giàu nhất thế giới của Bloomberg trong nhiều tháng.

Danh hiệu người giàu nhất thế giới được hoán đổi vài tháng một lần, tùy thuộc vào diễn biến của thị trường.

Facebook gặp sự cố trên tất cả nền tảng

Tối 5/3, nhiều người dùng tại Việt Nam phản ánh tình trạng gặp phải vấn đề nghiêm trọng khi sử dụng mạng xã hội Facebook. Theo đó, nhiều người cho biết, tài khoản của họ đột ngột bị đăng xuất khỏi ứng dụng. 

w facebook su co 1 1353.jpg
Facebook gặp sự cố tự đăng xuất tài khoản trong tối 5/3. Ảnh: Trọng Đạt

Không chỉ ứng dụng di động, sự cố tương tự cũng diễn ra trên phiên bản web của mạng xã hội Facebook. Sự cố bắt đầu từ khoảng 10 giờ tối ngày 5/3 và khoảng một giờ đồng hồ sau vẫn chưa thể khắc phục. 

Giám đốc truyền thông Meta xác nhận mạng xã hội Facebook bị lỗi truy cập khiến tài khoản người dùng đăng xuất và vấn đề đã được xử lý nhanh chóng.

Ngay khi sự cố ghi nhận trên phạm vi toàn cầu, Meta đã có thông tin tới người dùng về việc “Facebook Login” của họ đang “gặp vấn đề” và đội ngũ kỹ sư đang nhanh chóng tìm cách tháo gỡ.

Các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram và Threads đã trở lại hoạt động bình thường sau sự cố kéo dài khoảng hai tiếng trong đêm 5/3.

Sự cố đăng xuất tài khoản người dùng của Facebook, Messenger và Instagram lần này có thể khiến công ty mẹ Meta thiệt hại khoảng 100 triệu USD doanh thu.

Mỹ bắt cựu kỹ sư Google

Theo PC Magazine, hôm 6/3, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố bắt cựu kỹ sư Google Linwei Ding, 38 tuổi, tại nhà riêng ở Newark, California, liên quan 4 tội trộm cắp bí mật thương mại. 

Các nhà điều tra Mỹ cáo buộc Ding đánh cắp hơn 500 tập tin bí mật, liên quan đến kế hoạch phát triển trung tâm dữ liệu, phục vụ huấn luyện học máy, bao gồm cả AI tạo sinh.

Những thứ bị đánh cắp gồm các chi tiết về chip, hệ thống và phần mềm giúp siêu máy tính "có khả năng thực thi ở mức đỉnh cao của công nghệ máy học và AI".

Trong suốt một năm kể từ tháng 5/2022, Ding tải bí mật thương mại của Google lên tài khoản lưu trữ cá nhân.

Trong cùng thời gian, Ding cũng có mối quan hệ với 2 công ty Trung Quốc, một trong số đó là Beijing Rongshu Lianzhi Technology, đang ở giai đoạn đầu phát triển phần mềm máy học.

Google bắt đầu nghi ngờ Ding vào tháng 12/2023. Công ty đã tịch thu máy tính xách tay của người này ngày 4/1 trước khi Ding dự định từ chức.

Ding sẽ đối mặt với án tù lên đến 10 năm và mức phạt 250.000 USD cho mỗi tội danh.

Apple bị phạt 2 tỷ USD

Apple nhận mức phạt khổng lồ 1,84 tỷ Euro (2 tỷ USD) vì ngăn người dùng Spotify tùy chọn thanh toán bên ngoài App Store, trong khi hãng nói đã hỗ trợ hết mình.

Đây là lần đầu tiên, nhà sản xuất iPhone bị trừng phạt vì vi phạm luật pháp EU.

rf62j48w 137.png
Châu Âu tin rằng Apple hạn chế sự cạnh tranh trên thị trường phát nhạc trực tuyến. (Ảnh: Reuters)

Margrethe Vestager, Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của khối, thông tin: Apple đã phá vỡ các quy tắc chống độc quyền của EU trong một thập kỷ khi "hạn chế các nhà phát triển thông báo cho người tiêu dùng về các dịch vụ âm nhạc thay thế, rẻ hơn có sẵn bên ngoài hệ sinh thái Apple".

Apple nói sẽ sẽ kháng cáo quyết định này, báo hiệu quy trình pháp lý kéo dài nhiều năm tại các tòa án EU.

Apple chưa bao giờ bị Brussels phạt vì vi phạm chống độc quyền, nhưng công ty từng bị phạt 1,1 tỷ Euro vào năm 2020 tại Pháp vì cáo buộc phản cạnh tranh. Sau khi kháng cáo, tiền phạt giảm còn 372 triệu Euro.

CEO Google bị kêu gọi từ chức

CEO Sundar Pichai của Google đứng trước sức ép từ chức hoặc bị sa thải do chậm ra mắt sản phẩm mới và hụt hơi trong cuộc đua công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

CEO Sundar Pichai.jpeg
Với tư cách người đứng đầu, áp lực từ chức ngày càng lớn đối với CEO Sundar Pichai.

Công cụ chuyển đổi văn bản thành hình ảnh Gemini của gã khổng lồ tìm kiếm đã phải tạm dừng hoạt động sau khi bị phản ánh tạo lập ra những bức ảnh sai lịch sử. 

Lỗi này nhanh chóng trở thành vấn đề lớn trên mạng xã hội, khiến cổ phiếu của Google lao dốc, trong khi CEO Sundar Pichai thừa nhận lỗi là "không thể chấp nhận được". 

Chuyên gia phân tích Ben Thompson nhận định Google cần có sự chuyển đổi và “loại bỏ những người góp phần làm cho tình hình trở nên hỗn loạn, trong đó có Sundar Pichai”. Bài viết này đã lan truyền nhanh chóng trong nội bộ Google và thung lũng Silicon.

Đồng tình với nhận định trên, Mar Shmulik, nhà phân tích Internet cho rằng, đã đến lúc có sự thay đổi “thượng tầng” của gã khổng lồ công nghệ.

Sundar Pichai trở thành CEO Google vào năm 2015 và công ty mẹ Alphabet năm 2019.