- "Tôi hít vào thật sâu, uống lấy mùi hương của mặt trời trên núi, uống lấy sự ấm áp mang mùi hương của đất mới cầy lật và mùi của đồ giặt sạch sẽ được phơi đượm nắng".
ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN
Thiên tài từ túp lều nghèo khó
Những người khổng lồ "made in Vietnam" (p.2)
"Anh nhầm Dow Jones với Đông Gioăng..."
Cô gái mong manh và người chồng mang khuôn mặt đẹp
"Hai con bú dù" - Quán cà phê "nổi loạn"
Quan niệm của một 9X về sách vở
Scandal của một triết gia
Tại Việt Nam vào khoảng vài tháng trước, có một cuộc tranh luận khá ồn ào nổ ra về việc có nên hợp pháp hóa mại dâm và coi đó mà một nghề chính thức được công nhận trong xã hội. Quyết định thì còn tùy ở kiểu nhận thức nào sẽ chiến thắng trong cộng đồng.
Câu chuyện của Lakshmi là một câu chuyện liên quan đến mại dâm.
Lakshmi là một cô bé rất dũng cảm, ngay cả khi em đã bị bán, ngay cả khi em mới 13 tuổi.
Trải qua rất nhiều ngày không chịu khuất phục, người ta cho cô bé uống một thứ thuốc mê và đẩy những người khách mua dâm về phía em. Rất nhiều tháng đã trôi qua sau đó.
Là một cô bé sinh trưởng ở vùng núi, Lakshmi không có nhiều thông tin về cuộc sống đô thị. Và cũng như tất cả những cô gái khác ở "Ngôi nhà hạnh phúc" của Mumtaz, cô được người ta nói rằng không được tin những người bên ngoài tới. Cô đã tin những lời nói dối đó, cũng như tin rằng nếu mình làm việc cật lực thì sẽ trả được nợ và sẽ được về nhà. Cô bé đã sợ hãi và nghi ngờ nhiều đến mức không thể trả lời khi một người đàn ông đến, trả tiền không phải để qua đêm mà để hỏi chuyện cô.
Sau này, một người trong số họ đã giải phóng cho Lakshmi
* Trích đoạn dưới đây nằm trong cuốn sách "Bị bán" của nhà văn Mỹ Patricia McCormick do dịch giả Nguyễn Bích Lan dịch từ tiếng Anh. Patricia McCormick vốn là nhà báo, bà từng đến Nepal trò chuyện với các nạn nhân của các vụ buôn người.
Cuốn sách ra đời từ những cảm xúc mạnh mẽ, sự quan tâm sâu sắc, nỗi ám ảnh khôn nguôi và mong muốn chia sẻ của Patricia McCormick sau khi bà được trực tiếp nghe những phụ nữ, những em gái kể về những ngày tháng kinh hoàng mà họ đã trải qua.
Tác phẩm đã giành được một số giải thưởng và nhiều bình chọn quan trọng, trong
đó có Huy chương California Vì độc giả trẻ năm 2007, Giải thưởng Quil
năm 2007 (giải thưởng Vì sự phát triển của văn học), Giải thưởng
Gustav-Heinemann dành cho tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi và tuổi
mới lớn có nội dung thúc đẩy hòa bình và lọt vào chung kết National Book Award (Mỹ) năm 2007.
Bức ảnh minh họa cho bài báo "Bị mua và bị bán" (Bought and Sold) của tác giả Jennifer Hemmingsen trên tạp chí IOWA Alumni (8/2011) |
* BỊ BÁN
Khi tôi đang rửa lớp son phấn trên mặt thì cô gái da màu nâu sẫm bước vào.
- Cô nghĩ mình đang làm cái gì vậy hả? - Cô ấy hỏi
- Tôi về nhà
Đôi mắt ướt của cô ấy bỗng trở nên u uẩn.
- Họ đã nhầm, - tôi nói với cô ấy. - Tôi tới đây đây để giúp việc cho một bà chủ giàu có.
- Người ta nói với cô như thế sao?
Đúng lúc đó Mumtaz bước vào với cái mặt phúng phính đỏ bừng vì tức tối.
- Cô đã làm cái quái gì thế hả? - Bà ta nói.
- Tôi sẽ rời khỏi đây, - tôi nói. - Tôi sẽ về nhà.
Mumtaz cười hô hố.
- Về nhà ư? Bà ta nói. - Cô về nhà bằng cách nào hả?
Tôi không biết.\
"Cô có biết được về nhà không hả?". - Bà ta nói.
"Cô có tiền mà đi tàu hỏa không hả?".
"Cô có biết nói tiếng xứ này không hả?".
"Cô thậm chí có biết cô đang ở đâu không?".
Tim tôi đập như tiếng mưa rào, và hai vai tôi run rẩy như thể tôi bị cảm lạnh rất nặng.
"Cô là một đứa con gái vùng núi ngu ngốc", bà ta nói. "Cô không biết gì hết. Đúng không?".
Tôi dùng hai tay ôm quanh ngực, cố ôm chặt hết mức có thể. Nhưng cơn run rẩy vẫn không chấm dứt.
"Thôi được", Mumtaz nói, rồi lôi cuốn sổ ghi chép cất trong dây thắt lưng ra.
"Để tôi giải thích cho cô rõ".
- Cô đã thuộc về tôi, - bà ta nói. - Tôi đã bỏ ra một khoản tiền khá lớn để mua cô.
Bà ta mở một trang trong cuốn sổ và chỉ vào con số 10.000 rupi được ghi trong đó.
- Cô phải tiếp đàn ông tại phòng cô, - bà ta nói. - Và hãy làm bất cứ điều gì họ yêu cầu. Cô sẽ phải làm việc ở đây, giống như những cô gái khác, cho đến khi cô trả hết món nợ của tôi.
Đầu óc tôi quay cuồng, nhưng tôi chỉ nhìn thấy duy nhất một thứ: con số ghi trong sổ của bà ta. Nó méo mó, nhòe đi, rồi vỡ vụn ra thành những mẩu nhỏ trôi trước mắt tôi. Tôi cố nén những giọt nước mắt và cuối cùng tôi cất tiếng nói.
- Nhưng cô Bimla nói rằng....
- "Bà cô của cô", - bà ta nói bằng giọng giễu cợt, - làm việc cho tôi.
Giờ thì tôi đã hiểu tất cả.
Tôi chớp mắt để ngăn những giọt nước mắt đang chực trào ra. Hai bàn tay tôi nắm lại thành những nắm đấm. Tôi sẽ không bao giờ làm cái công việc bẩn thỉu đó. Tôi sẽ đợi đến khi trời tối để trốn khỏi Mumtaz và Ngôi nhà hạnh phúc của bà ta.
"Shahanna!" Mumtaz búng ngón tay, lập tức cô gái da nâu sẫm chạy đến đưa cho bà ta một cái kéo. Cô Shahanna ghé vào tai tôi nói thầm: "Sẽ dễ dàng hơn cho cô nếu cô ngồi yên".
Có tiếng kéo cắt, và một lọn tóc của tôi rơi xuống sàn nhà. Tôi kêu lên, cố thoát ra, nhưng Shahanna đã kịp giữ tôi lại.
Mumtaz lùi lại, lưỡi kéo của bà ta kề vào cổ tôi.
- Ngồi im, - bà ta nói và nghiến răng ken két. - Nếu không tao sẽ cắt cổ mày.
Tôi nhìn Shahanna. Mắt cô ta mở to vì sợ.
Tôi ngồi im, nhìn cô gái trong gương. Chẳng bao lâu sau cô gái trong gương đó đã có cái đầu trọc của một người đàn bà bị ghét bỏ và một khuôn mặt rắn như đá.
- Cứ thử trốn khỏi nơi đây với cái đầu trọc này đi, - Mumtaz nói, - rồi người ta sẽ tóm được cô và đưa cô trở lại đây thôi.
Rồi họ đi ra, bỏ tôi một mình trong căn phòng bị khóa chặt.
Tôi đập cửa.
Tôi rú lên như một con thú.
Tôi cầu nguyện.
Tôi đi đi lại lại trong phòng.
Tôi đá cánh cửa.
Nhưng tôi tuyệt nhiên không khóc
* BA NGÀY BA ĐÊM
Ngày nào cũng có cả nghìn người đi qua phía dưới cửa sổ căn phòng nơi tôi đang bị nhốt.
Trẻ con đi đến trường. Những người mẹ vội vã đi từ chợ về nhà. Những người kéo xe, những người bán rau, những người quét đường và những người ăn xin.
Không một ai nhìn lên.
Sáng nào, tối nào Mumtaz cũng tới, đánh tôi bằng roi da rồi tự tay khóa cửa phòng lại.
Đêm nào tôi cũng mơ thấy hai mẹ con tôi ngồi ở bên ngoài ngôi nhà của tôi nhìn xuống những ngọn đèn lung linh trong đêm hội và mơ thấy mẹ tết mái tóc của tôi thành những bím tóc đen dài.
* ĐÓI
Tối nay khi Mumtaz tới mở khóa cửa, bà ta thấy khắp người tôi không còn chỗ nào là không có vết roi của bà ta.
- Giờ thì cô chịu tiếp khách rồi chứ?
Tôi lắc đầu.
Vậy là bà ta nói sẽ bỏ đói tôi cho đến chừng nào tôi chịu phục tùng.
Bà ta không biết tôi đã quá quen với cái đói.
Tôi đã quá quen với cảm giác cái dạ dày cứ gầm gào tìm thứ gì đó để làm đầy nó.
Tôi đã biết cái cảm giác khi những bộ phận bên trong người tôi liên tục chuyển động, không chịu tin rằng chúng trống rỗng.
Tôi cũng biết cách nuốt nước bọt và giả vờ rằng đó là canh.
Tôi cũng biết cách bịt mũi lại trước mùi thơm tỏa ra từ bữa tối của nhà khác.
Và tôi biết cách thắt dây thắt lưng thật chặt trong ít nhất vài tiếng đồng hồ, thắt chặt đến mức tôi có thể đánh lừa cái bụng rằng nó đầy rồi.
Mumtaz, với cái eo lưng núng nính thịt và cái mặt phúng phính, không biết rằng bà ta đã gặp phải đối thủ xứng đáng.
* CHẠNG VẠNG
Vào những ngày sau đó, có nhiều người đến phóng tôi. Có một số người thực. Một số người không thực.
Ngày nào Mumtaz cũng xuất hiện vào buổi tối, cậy răng tôi, ép tôi uống một cốc lassi. Còn Shahanna sáng nào cũng đến với một cốc nước và vẻ mặt thương hại.
Vào buổi chạng vạng dài lên thê sau khi tôi uống cốc lassi, và trước buổi sáng, có những người khác tới.
Bố dượng tôi xuất hiện, ông mặc chiếc áo khoác có cầu vai lớn và đội chiếc mũ kiểu thành phố, phì phèo hút xì gà. Sau đó Baija Sita đứng ở chân giường của tôi, mải mê buôn chuyện với vợ ông trưởng bản. Thỉnh thoảng bà cô Bimla tới, đôi mắt lóe sáng như những đồng xu mới tinh.
Họ dường như là những con người thực, nhưng tôi biết họ không phải là người thực.
Giữa hai khoảng thời gian đó, có những người đàn ông tới.
Họ đè nát xương tôi bằng sức nặng của cơ thể họ.
Họ tách hai chân tôi ra.
Rồi họ biến mất.
Tôi không thể phân biệt được chuyện gì họ đã làm với tôi là thực, chuyện gì là ác mộng.
Nhưng tôi quyết định nghĩ rằng tất cả mọi chuyện đều là một cơn ác mộng.
Bởi vì nếu những gì xảy ra là thực,
thì đó là những chuyện không thể chịu đựng nổi.
*GIỮA NHỮNG BUỔI CHẠNG VẠNG
Thỉnh thoảng, giữa những lúc chạng vạng, tôi mở cái bọc tư trang tôi mang từ nhà đi và úp mặt vào lớp vải của chiếc váy cũ.
Tôi hít vào thật sâu, uống lấy mùi hương của mặt trời trên núi, uống lấy sự ấm áp mang mùi hương của đất mới cầy lật và mùi của đồ giặt sạch sẽ được phơi đượm nắng.
Tôi hít vào một cơn gió mát dịu của dãy Himalaya, và mùi đặc trưng của củi cháy, cái mùi rộn rã hứa hẹn một tách trà ấm và một cái bánh rôti nóng hổi.
Tôi làm thế để tôi có thể tiếp tục sống được.
Cho tới buổi chạng vạng tiếp theo.
Vân Sam