Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được tăng giá bán điện tương ứng với mức tăng của các thông số đầu trong sản xuất kinh doanh điện từ 3-5%. Hai Bộ Công Thương, Tài chính chỉ làm hậu kiểm.

Đó là một trong những điểm kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sau cuộc họp về các giải pháp chiến lược cải thiện tình hình tài chính EVN và các đơn vị thành viên.

Theo đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý chủ trương sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

{keywords}

Cụ thể, EVN sẽ xây dựng phương án sửa đổi Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành ngày 19/11/2013 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư số 12/2014/TT-BCT ngày 1/6/2014 quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân.

Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo EVN thực hiện nhiệm vụ trên và chịu trách nhiệm trình Thủ tướng phương án sửa đổi.

Trong đó, Phó Thủ tướng đồng ý sẽ giảm các biên độ về quyền điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Nếu các thông số đầu vào làm giá điện cơ sở cập nhật biến động tăng từ 3-5% so với giá điện hiện hành thì EVN được quyết định điều chỉnh giá. Các Bộ Công Thương, Tài chính thực hiện công tác hậu kiểm.

Theo Quyết định 69 hiện hành, các mốc biến động giá cơ sở điện là 7-10%, trong đó, nếu tăng dưới 7%, EVN sẽ được tự tăng giá. Nếu tăng từ 7-10%, EVN sẽ phải xin ý kiến Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thẩm định, đồng ý.

Nếu giá điện tăng trên 10%, việc điều chỉnh giá sẽ do Bộ Công Thương trình Thủ tướng cho ý kiến phê duyệt.

Đồng thời, các mức tăng giá điện này cũng phải đảm bảo nằm trong phạm vi khung giá bán lẻ điện bình quân với mức cao nhất là 1.437 đồng/kWh đến 1.835, đồng/kWh vào năm 2015.

Tại cuộc họp của 4 bộ thuộc Tổ điều hành kinh tế vĩ mô tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình giá cả thị trường để hoàn thiện các phương án điều chỉnh giá điện trong năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát, có các biện pháp cụ thể, quyết liệt để giảm mạnh chi phí sản xuất, kinh doanh điện, nhất là phải giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất lao động và tạo thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian trong tiếp cận điện năng của doanh nghiệp, người dân, bảo đảm đạt kết quả cụ thể và được công khai rộng rãi ngay trong năm 2015.

Phạm Huyền