Một gã khổng lồ Internet đang phải loay hoay với vấn đề tăng trưởng. Một vị CEO liều lĩnh tham gia vào ván đặt cược đầy tham vọng. Một lượng lớn nhân viên sợ hãi trước những yêu cầu ngày càng cao và làn sóng sa thải tại công ty.
Đây là những gì đang xảy ra bên trong Meta (công ty mẹ của Facebook) ngay lúc này. Và đó cũng là những điều đã từng xảy ra với Yahoo trong gần một thập kỷ trước.
Cuối năm 2021, Facebook đã đổi tên thành Meta, đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành "một công ty metaverse". Tuy nhiên, những thay đổi này lại diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng người dùng bị đình trệ và doanh số bán quảng cáo sụt giảm.
Điều đó khiến cho không ít nhân viên của Meta cảm thấy hoài nghi về định hướng phát triển của công ty, đồng thời cảnh giác với các ưu tiên thay đổi của Mark Zuckerberg.
Mối quan tâm của họ dường như đang lặp lại chính những bất ổn nội bộ tại Yahoo dưới thời Marissa Mayer. Trang Business Insider nhận định nhiều năm sau sự thay đổi thất bại của Yahoo, Zuckerberg đang lặp lại những sai lầm của Mayer.
Metaverse là một vụ đánh cược đầy rủi ro của Mark Zuckerberg
Một năm trước, Zuckerberg đã đưa ra thông báo đổi tên Facebook và thay đổi trọng tâm phát triển của công ty tập trung vào metaverse. Vị CEO đánh cược rằng mọi người sẽ sống, làm việc và tương tác với nhau bằng các nhân vật đại diện trong vũ trụ ảo của công ty.
Theo Business Insider, đây là một vụ đánh cược đầy rủi ro.
Những công ty khởi nghiệp có thể sẽ phải chấp nhận hàng tá rủi ro khác nhau để có thể phát triển thành công ty trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, Meta hiện đã là một gã khổng lồ và công ty không nhất thiết phải đối mặt với những rủi ro đó. Meta hiện có thể tạo ra kính thực tế ảo, sở hữu nhiều nền tảng truyền thông xã hội và thu tiền quảng cáo từ chúng.
Tuy nhiên, Meta lại đang đổ rất nhiều thời gian và nguồn lực vào phát triển metaverse. Công ty đã tiêu tốn hơn 10 tỷ USD từ khi bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này. Đây là một khoản tiền khổng lồ và Zuckerberg cho biết tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong khoảng 3-5 năm tới.
Nguồn tin từ Business Insider cho biết Zuckerberg nhận thức rõ ràng rằng metaverse là một cuộc chơi dài hạn. Tuy nhiên, vị CEO vẫn quyết tâm phải trở thành người chiến thắng trong cuộc đua này.
Marissa Mayer cũng từng có một tầm nhìn đầy tham vọng nhưng không thành công
Trong quá khứ, Yahoo cũng từng là một gã khổng lồ về quảng cáo. Năm 2004, công ty đạt doanh thu 3,5 tỷ USD và có giá trị vốn hóa thị trường lên đến 128 tỷ USD. Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động quảng cáo đã nhanh chóng sụt giảm khi sự cạnh tranh từ các đối thủ như eBay, Google và Facebook ngày càng lớn.
Đến năm 2012, giá trị của Yahoo đã giảm xuống còn khoảng 20 tỷ USD. Lúc này, Marissa Mayer tham gia Yahoo với vai trò CEO, cùng nhiệm vụ đưa công ty trở lại thời kỳ hoàng kim và có thể sánh ngang với Google, Facebook, Apple và Amazon.
Mayer cũng đặt ra tham vọng rất lớn khi muốn biến Yahoo trở thành một siêu ứng dụng. Đồng thời, vị CEO cũng tích cực tạo ra những chương trình giống như Netflix hay mua lại nền tảng blog Tumblr với giá 1,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, tất cả những vụ đặt cược trên đều không đạt được thành công và doanh thu công ty vẫn trì trệ. Năm 2016, Verizon đã mua lại Yahoo với giá 5 tỷ USD và sáp nhập công ty với AOL. Mayer cũng từ chức Giám đốc điều hành.
Nhiều điểm tương đồng giữa Zuckerberg và Mayer
Trao đổi với trang NyTimes, nhiều nhân viên của Meta phàn nàn về doanh thu và sự xáo trộn nhân viên thường xuyên khi các ưu tiên của Zuckerberg thay đổi. Thậm chí, một số nhân viên còn gọi các dự án metaverse là M.M.H, một từ viết tắt của "Make Mark Happy" (tạm dịch: làm cho Mark vui vẻ).
Tương tự, tại Yahoo, Mayer được mô tả là thường đưa ra quyết định bằng cảm tính của bản thân thay vì sử dụng các con số báo cáo hoặc dữ liệu.
Tiếp đến là văn hóa công ty. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Mayer đã triển khai một hệ thống xếp hạng hiệu suất nhằm mục đích tạo động lực làm việc chăm chỉ và phát hiện ra những nhân viên kém hiệu quả. Tuy nhiên, nó lại phản tác dụng và ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên.
Điều tương tự cũng đang diễn ra tại Meta khi Zuckerberg đang tích cực loại bỏ những nhân viên có hiệu suất thấp và không phù hợp với tầm nhìn dài hạn của công ty. Meta cũng đang thay đổi kỳ vọng về hiệu suất và thúc đẩy các nhà quản lý sa thải nhân viên.
Dù vậy, nếu Zuckerberg đúng và metaverse là tương lai, những động thái này sẽ giúp thúc đẩy Meta vượt lên trước các đối thủ. Tuy nhiên, nếu vụ đặt cược của Zuckerberg không thành công, Meta sẽ đi vào "vết xe đổ" của Yahoo.
(Theo Dân trí)