“Chúng tôi, giới lãnh đạo các quốc gia G7, lên án mạnh mẽ việc các cuộc trưng cầu dân ý ‘giả’ mà Nga sử dụng làm cái cớ để thay đổi hiện trạng lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine. Những hành động trên rõ ràng vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, cũng như đi ngược lại những nguyên tắc pháp quyền giữa nhiều quốc gia”, trang web Nhà Trắng dẫn thông cáo của giới lãnh đạo nhóm G7 đưa ra hôm nay (24/9), viết.

Người dân tỉnh Luhansk thuộc đông Ukraine xếp hàng đi bỏ phiếu. Ảnh: AP

Theo nhóm G7, những cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ở các khu vực Nga kiểm soát “không thể hiện ý nguyện chính đáng của người dân Ukraine”. 

“Chúng tôi sẽ không bao giờ công nhận những cuộc trưng cầu dân ý này, và chúng tôi sẵn sàng áp thêm nhiều đòn trừng phạt hơn nữa nhằm vào nền kinh tế Nga cũng như các cá nhân và thực thể hỗ trợ về chính trị và kinh tế cho ý định thay đổi hiện trạng lãnh thổ Ukraine của chính quyền Moscow. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ về tài chính, nhân đạo, quân sự, ngoại giao, pháp lý và xúc tiến nhiều nỗ lực tái thiết cho Ukraine . Chúng tôi khẳng định sẽ sát cánh cùng với Ukraine chừng nào còn có thể”, thông cáo viết thêm. 

Theo hãng tin Ukrinform, thông cáo trên được nhóm G7 đưa ra trong bối cảnh các cuộc trưng cầu dân ý về việc sát nhập vào Nga đang diễn ra ở các tỉnh Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, Kherson thuộc miền đông và miền nam Ukraine.

Hungary cảnh báo ‘xung đột tận thế’ 

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto hôm nay (24/9) cho biết, nhiệm vụ chính hiện nay của toàn thể cộng đồng quốc tế là ngăn chặn một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga.

“Nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của cộng đồng quốc tế là ngăn cho những căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và NATO trở thành một cuộc đối đầu quân sự. Tôi thấy rằng những hậu quả sẽ mang tính thảm họa. Bản thân tôi, giống như những người đồng lứa, đều luôn hy vọng rằng mình sẽ không bao giờ phải trải qua một cuộc chiến tranh tàn khốc giống như Thế chiến Hai”, hãng tin RT dẫn lời ông Szijjarto phát biểu bên lề kỳ họp thường niên lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

“Chúng tôi không muốn sự tồn tại của cả hành tinh ‘đứng trên bờ vực’, bởi một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO sẽ không có hồi kết. Hungary, dù là một quốc gia thành viên trong khối quân sự NATO, đang làm hết sức mình để ngăn chặn viễn cảnh diệt vong đó”, ông Szijjarto nhấn mạnh.

Theo RT, những lời cảnh báo trên của Ngoại trưởng Hungary không phải không có cơ sở, khi Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev gần đây tuyên bố rằng nước này có thể dùng tới vũ khí hạt nhân chiến thuật để bảo vệ các vùng lãnh thổ sáp nhập từ Ukraine.

“Chúng tôi đã tuyên bố việc bảo vệ các vùng lãnh thổ được sát nhập sẽ không chỉ bao gồm những khả năng tổng động viên, mà còn cả việc sử dụng mọi loại vũ khí bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến thuật và những khí tài dựa trên các nguyên tắc mới”, ông Medvedev hôm 22/9 nói.