Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa tổ chức xong ĐHĐCĐ thường niên 2020 với khá nhiều điểm đáng lưu ý, trong đó có tham vọng chuyển niêm yết cổ phiếu ACB từ sàn chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở GDCK TP.HCM (HOSE) ngay trong tháng 11-12 năm nay.
ACB cũng đặt ra kế hoạch lợi nhuận tăng 2%, chia cổ tức 30% và phát hành trái phiếu quốc tế. Đây là kế hoạch khác biệt so với một loạt các ngân hàng đã đồng loạt giảm chỉ tiêu lợi nhuận 20-40% và nhiều ngân hàng lùi kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán do ảnh hưởng của Covid-19. Kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC cũng phải giãn tiến độ.
Theo đề án "Cơ cấu lại TTCK và bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 2/2020, Chính phủ đã đưa ra hạn cuối để các NHTM niêm yết trên TTCK chính thức là năm 2020.
Ông Trần Hùng Huy, chủ tịch ACB. |
Tuy nhiên, hàng loạt ngân hàng có thể sẽ không hoàn thành mục tiêu. Hiện vẫn còn khoảng hơn 10 NHTM chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung.
Theo đại diện của ACB, ngân hàng này sẽ cố gắng chuyển niêm yết cổ phiếu từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) ngay trong năm 2020, thông qua 2 giai đoạn: chia cổ tức bằng cổ phiếu và chuyển sàn trong tháng 11,12.
Việc chuyển sang HOSE được xem là một bước tiến mới bởi khi đó cổ phiếu ACB có thể lọt vào một số rổ cổ phiếu quan trọng như: VN30 (tỷ trọng 4%), VNDiamond (10%), VNFIN Select (12%), VNFIN Lead (12%),...
Trong khi đó, kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế được đặt ra với mục đích nhằm đa dạng hóa nguồn vốn, tài trợ cho các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu. Huy động vốn quốc tế sẽ có chi phí rẻ hơn so với huy động trong nước.
Với khoản nợ tại ACB của nhóm 6 công ty là 806 tỷ đồng gồm trái phiếu, khoản phải thu, nợ gốc và hơn 1,000 tỷ đồng lãi. ACB đã trích lập dự phòng 100% và nếu thu hồi được, lợi nhuận ACB sẽ tăng thêm 806 tỷ đồng.
Sau “sự cố Bầu Kiên” năm 2012, Ngân hàng ACB dưới thời ông Trần Hùng Huy đã ghi nhận nhiều đợt sóng ngầm, từ sự xuất hiện trở lại của nhóm Bầu Kiên đầu 2018 cho tới những vụ mua bán “tái cơ cấu” đầu 2019 và giao dịch bí ẩn ngàn tỷ trong 2019.
Tuy nhiên, với những diễn biến mới nhất, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng ACB sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng và vị thế cao như những năm trước sự cố 2012.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 17/6, chỉ số VN-Index biến động nhẹ sau một đợt lao dốc rồi tăng mạnh. Các cổ phếu blue-chips phân hóa mạnh. Cổ phiếu Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục tăng sau thông tin quỹ ngoại chi 650 triệu USD mua cổ phần.
Theo SHS, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc với vùng kháng cự trong khoảng 870-880 điểm (MA20-fibonacci retracement 61,8%) và hỗ trợ gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể canh bán ra khi VN-Index hồi phục về vùng kháng cự trong khoảng 870- 880 điểm. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể giải ngân thăm dò một phần tỷ trọng nếu thị trường điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ quanh 840 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/6, VN-Index tăng 23,66 điểm lên 856,13 điểm; HNX-Index tăng 1,67 điểm lên 115,49 điểm. Upcom-Index tăng 0,54 điểm lên 56,08 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 6,4 ngàn tỷ đồng.
V. Hà