Sáng 17/8, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM đã tổ Hội nghị lần thứ 16 bàn về công tác cán bộ và một số nội dung khác. 

Trước khi tiến hành hội nghị, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM, với Trưởng ban là Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên ra mắt. 

Phát biểu sau khi ra mắt Ban chỉ đạo (BCĐ), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, việc thành lập BCĐ của TP.HCM chậm so với cả nước là do nhân sự có một số thay đổi, phải ổn định xong mới thành lập. 

BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM ra mắt.

Theo ông Nên, việc thành lập BCĐ nhằm khẳng định trước Đảng bộ và nhân dân về đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thành phố. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, để hệ thống chính trị và nhân dân tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chỉ ra những vấn đề cần quan tâm: 

Phải hiểu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên và rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là thử thách đối với BCĐ và từng thành viên được phân công. 

Cũng theo người đứng đầu Thành ủy TP.HCM, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ của BCĐ, mà còn là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành... 

“Đây là công việc thường xuyên, liên tục nên đòi hỏi phải kiên quyết, kiên trì. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền…cần nghiên cứu sâu để nhận thức về công tác này trong vai trò mới. Trong đó, rất cần sự đồng tình, ủng hộ và giám sát của nhân dân”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nêu rõ. 

Bí thư Thành ủy yêu cầu BCĐ cũng như các cấp, các ngành thực hiện nghiêm và quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.  

Xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ

Cũng theo ông Nên, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần gắn kết giữa xây và chống, trong đó xây là chính. Gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. 

Bí thư Thành ủy cho biết, một trong những nội dung trọng tâm của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong đó, mục tiêu cần phải hướng tới là xây dựng văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm cho mỗi người ý thức sâu sắc về nhân cách, lẽ sống của mình; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đẩy lùi lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, nhất là tệ quan liêu, xa dân, phiền hà, nhũng nhiễu, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.

Ngăn chặn sự sa sút về ý chí chiến đấu, không thực hiện đúng các nguyên tắc đảng; thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thiếu trách nhiệm, tâm huyết, tiêu cực, né tránh, ngại khó, ngại khổ. 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo

Ông đề nghị mỗi đảng viên, cán bộ nhận thức về trách nhiệm, tự giác làm đúng, làm tốt, tự bảo vệ nhân phẩm, vượt qua mọi khó khăn, cám dỗ và bằng những hành động cụ thể để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả.

“Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ có thể thành công khi bảo đảm sự công khai, minh bạch, dựa vào nhân dân và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, xuyên tạc, hãm hại người tốt.”, Bí thư Thành ủy TP.HCM nói.

Ông Nguyễn Văn Nên đề nghị phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; sử dụng hiệu quả công cụ truyền thông và sự giám sát của Nhân dân để giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự soi, tự sửa, không thể, không dám và không muốn tham nhũng, tiêu cực; đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sai phạm là đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực.

Cuối cùng, người đứng đầu Thành ủy cho rằng, điều quan trọng nhất là làm đúng vai trò, chức trách của mình, công minh, chính trực, không nể nang, né tránh, ngại va chạm. Đặc biệt, phải giữ đúng nguyên tắc hoạt động, tôn trọng và không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân công theo dõi chỉ đạo.