Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco (DNM) ghi nhận sóng tăng giá cổ phiếu dữ dội trong tuần qua. Đây là đợt tăng mạnh thứ 2 liên tiếp nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng sau khi doanh nghiệp này chuyển sang sản xuất và bán khẩu trang khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Tính tới hết phiên giao dịch 3/8, cổ phiếu DNM đã lên trên ngưỡng 73.000 đồng/cp, cao gấp 10 lần so với hồi đầu tháng 1. Danameco đã có 6 phiên tăng trần liên tiếp vừa qua (mỗi phiên tăng 10%) kéo giá cổ phiếu từ mức 41.400 đồng/cp hôm 24/7 lên 73.100 đồng/cp hôm 3/8.

DNM tăng mạnh sau khi doanh nghiệp này công bố 2 quý tăng trưởng đột phá liên tiếp.

Trong quý II, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm trước lên 239 tỷ đồng. Lãi ròng tăng 6,7 lần so với cùng kỳ 2019 lên 17,4 tỷ đồng.

Sở dĩ doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh là do doanh nghiệp tập trung sản xuất các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, trang phục chống dịch… khi dịch Covid-19 bùng phát. Doanh nghiệp còn đầu tư máy móc, tăng cường sản xuất và đẩy mạnh mở rộng thị trường.

Trong quý I/2020, DNM cũng ghi nhận lợi nhuận cao nhất 6 năm sau khi xoay sang bán khẩu trang. Trong tháng 2, Danameco đã quyết định đầu tư 4 đến 6 dây chuyền sản xuất khẩu trang, các máy móc liên quan (máy đóng gói,…).

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần đạt 366 tỷ đồng cao gấp 4 lần cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 25,5 tỷ đồng tăng mạnh so với con số gần 3 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019.

{keywords}
Cú xoay sở thần kỳ, doanh nghiệp Việt ghi nhận lợi nhuận tăng 7 lần giữa đại dịch Covid

Việc chuyển sang sản xuất và bán khẩu trang thuận lợi nhờ doanh nghiệp tận dụng những nguyên liệu sẵn có và đáp ứng nhu cầu thị trường ngắn hạn trong mùa dịch Covid-19. Việc sản xuất khẩu trang giúp nhiều doanh nghiệp bù đắp mức sụt giảm doanh số truyền thống của ngành dệt may.

Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận doanh thu nội địa tăng đột biến thời Covid là CTCP Đầu tư và Thương mại TNG. Doanh thu nội địa của doanh nghiệp này có tháng tăng 2-3 lần so với cùng kỳ.

Điểm sáng từ kinh doanh khẩu trang cũng góp phần thúc đẩy thị giá cổ phiếu TNG trên thị truờng tăng tích cực từ đáy khoảng 7.000 đồng hồi đầu tháng 4 lên mức 11.600 đồng/cp như hiện tại.

Hay Tập đoàn Dệt may (Vinatex) cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực từ thị trường nội địa cho dù đang gồng gánh nhiều chi phí. Đáng chú ý, việc sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn đã giúp tập đoàn và các đơn vị thành viên bù đắp phần thiếu hụt của các sản phẩm truyền thống.

Không chỉ khẩu trang, một số doanh nghiệp sản xuất gel rửa tay đến thuốc tăng đề kháng, thực phẩm… cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan ấn tượng.  Bột giặt Lix - Lixco (LIX) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trong cả 2 quý, với phần tăng chủ yếu đến từ doanh thu khu vực nội.

Bột giặt Net - Netco (NET) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng nhờ khai thác nhu cầu dịch Covid-19 với sản phẩm nước rửa tay khô kháng khuẩn Net Care+. Ngoài ra, Netco còn gia công sản phẩm cho đối tác Unilever với các nhãn hiệu như Omo, Surf, Sunlight…

Nhóm dược, thực phẩm cũng ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận giữa đại dịch như trường hợp Dược Hậu Giang (DHG), Dabaco (DBC)…

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 4/8, chỉ số VN-Index tăng khá mạnh thêm khoảng 9 điểm lên ngưỡng 825 điểm.

Theo Rồng Việt, VN-Index thêm một lần nữa áp sát và kiểm tra vùng 815 điểm và nhịp hồi phục kỹ thuật vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý áp lực bán tại vùng 815-822 điểm dự kiến ở mức cao và rủi ro vẫn đang tiềm ẩn sau khi nhịp hồi phục kỹ thuật kết thúc. Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng và nên đưa danh mục về mức an toàn cho đến khi tín hiệu xu hướng của thị trường được cải thiện.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/8, VN-Index tăng 16,26 điểm lên 814,65 điểm; HNX-Index tăng 2,92 điểm lên 110,43 điểm. Upcom-Index tăng 0,7 điểm lên 55,51 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 5,3 ngàn tỷ đồng.

V. Hà