Cũng trong ngày 8/3, FPT công bố thông tin một trong những “lão tướng” sáng lập nên tập đoàn này cùng với Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình là ông Bùi Quang Ngọc sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 3 và thay thế sẽ là ông Nguyễn Văn Khoa, hiện là Phó tổng giám đốc FPT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (sinh năm 1977).

Thông tin này không gây bất ngờ bởi trước đó, Nikkei Asian Review đã “rò rỉ” việc ông Ngọc sẽ kết thúc nhiệm kỳ trong năm nay – một động thái mở đường cho lãnh đạo trẻ tuổi hơn dần thay thế những “công thần” đã sáng lập nên FPT.

{keywords}
Ông Bùi Quang Ngọc là cộng sự lâu năm của ông Trương Gia Bình.

Ông Bùi Quang Ngọc được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc FPT kể từ 31/7/2013 sau khi ông Trần Đình Anh từ nhiệm. Ông Ngọc dẫn dắt sự phát triển của các hoạt động kinh doanh cốt lõi của tập đoàn này gồm các mảng hệ thống thông tin, phần mềm và viễn thông.

Trong thời kỳ ông Bùi Quang Ngọc làm Tổng giám đốc, FPT có sự tăng trưởng đáng kể cả về doanh thu và lợi nhuận. Các chỉ tiêu này nhìn chung gia tăng theo từng năm. Năm 2013, mức doanh thu của tập đoàn này ở mức 27.115 tỷ đồng thì đến 2017 đạt 43.298 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế từ 2.065 tỷ đồng vào năm 2013 đã tăng lên 3.234 tỷ đồng trong năm 2017.

Duy trong năm 2018, doanh thu thuần của FPT bị giảm mạnh 46% còn 23.213 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 8% còn 3.234 tỷ đồng. Nguyên nhân xuất phát từ việc FPT Retail và Synnex FPT không còn là công ty con trong tập đoàn. Song nếu trong điều kiện so sánh tương đương thì doanh thu năm 2018 của FPT vẫn tăng 17% và lợi nhuận sau thuế tăng 30%.

Ở nhiệm kỳ của ông Bùi Quang Ngọc, cổ phiếu FPT cũng tăng giá mạnh, tổng mức tăng lên tới 28.900 đồng (tương ứng tăng 183,5%). Mã này từng đạt mức đỉnh giá là 53.305 đồng vào phiên 10/4/2018.

{keywords}
Giá cổ phiếu FPT từ năm 2013 đến nay tăng khá tốt và đạt đỉnh vào tháng 4/2018

Sau khi hoàn tất chuyển nhượng 1,5 triệu cổ phiếu FPT cho ông Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng trường Đại học FPT vào tháng 11/2017, ông Bùi Quang Ngọc hiện còn nắm giữ trên 18,15 triệu cổ phiếu FPT, chiếm tỷ lệ 3,42% vốn điều lệ tập đoàn này. Với thị giá FPT hiện nay, giá trị cổ phần của ông Bùi Quang Ngọc vào khoảng 932,2 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa ghi nhận mức giảm 8,78 điểm tương ứng 0,88% còn 985,25 điểm và HNX-Index giảm 0,65 điểm tương ứng 0,6% còn 108,22 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về các mã giảm giá. Toàn thị trường có tổng cộng 366 mã giảm, 41 mã giảm sàn so với 282 mã tăng, 51 mã tăng trần.

Thanh khoản trên HSX đạt 202,5 triệu cổ phiếu tương ứng 4.247,33 tỷ đồng. Con số này tại HNX là 43,58 triệu cổ phiếu tương ứng 465,84 tỷ đồng.

Phiên này, chỉ số chính bị tác động tiêu cực bởi VNM, GAS, VIC, BID. Các mã này giảm giá đã khiến VN-Index bị kéo sụt đáng kể: VNM khiến VN-Index mất 1,43 điểm; GAS khiến VN-Index mất 1,17 điểm; VIC khiến VN-Index mất 1,07 điểm; BID khiến VN-Index mất 0,94 điểm.

SAB, CTD, PHR, EIB… tăng giá, tuy nhiên, ngoại trừ SAB đóng góp cho chỉ số 0,76 điểm thì các mã còn lại không ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến chung của thị trường.

Theo dự báo của BVSC, trong tuần tới, thị trường sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực giảm điểm. VN-Index có thể sẽ lùi về vùng hỗ trợ 970-980 điểm trước khi được kỳ vọng sẽ cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại.

Hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs trong tuần sau có thể khiến cho các cổ phiếu bluechips biến động tương đối khó lường và có thể sẽ theo chiều hướng bất lợi nhiều hơn. Việc khối ngoại tiếp tục duy trì hoạt động mua ròng, đặc biệt là ở chứng chỉ quỹ E1VFVN30, là một điểm tích cực có thể hỗ trợ cho diễn biến thị trường.

Tuần tới, thị trường nhiều khả năng sẽ có diễn biến phân hóa mạnh. Nhóm cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ có diễn biến khởi sắc hơn để hỗ trợ và giữ nhịp cho thị trường. Bên cạnh đó, dòng tiền dự kiến sẽ tìm đến các cổ phiếu đang trong nhịp điều chỉnh thuộc các nhóm ngành như dầu khí, điện, khu công nghiệp, dệt may, vật liệu xây dựng và bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận.

(Theo Dân trí)