Ngày 12/7, tại buổi giám sát chuyên đề của Quốc hội tại UBND TPHCM về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến năm 2023”, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015-2019 đã tạo cơ hội cho thị trường bất động sản phát triển, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Bên cạnh việc bùng nổ các dự án bất động sản, hiện thị trường thiếu hụt nguồn cung nhà ở vừa túi tiền, dẫn đến giá nhà bị đẩy lên cao. Giai đoạn 2020-2022, hoạt động kinh doanh bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đến cuối năm 2023, thị trường mới có tín hiệu tích cực. 

Theo ông Khiết, từ năm 2015 đến nay, tỷ trọng đóng góp của hoạt động kinh doanh bất động sản vào GRDP của TPHCM ngày càng giảm. Năm 2015, kinh doanh bất động sản đóng góp 4,73% GRDP, đến năm 2019 giảm còn 4,27% và năm 2023 chỉ còn 3,56%. 

W-căn hộ 1.jpg
Từ năm 2015 đến nay, giá căn hộ cao cấp tại TPHCM tăng gấp đôi. Ảnh: Ngọc Thanh

Về diễn biến giá cả thị trường, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, trong giai đoạn 2015-2023, giá căn hộ chung cư tăng trung bình 15-20%/năm. 

Đối với căn hộ bình dân, nếu như năm 2015 giá bán dao động từ 25-35 triệu đồng/m2 thì đến năm 2023 đã tăng lên từ 40-60 triệu/m2. Căn hộ trung cấp từ mức giá 35-50 triệu đồng/m2 tăng lên 50-70 triệu đồng/m2. Phân khúc căn hộ cao cấp tăng mạnh nhất khi từ mức 50 triệu/m2 lên thành 70-100 triệu/m2. 

Thống kê cho thấy, đến năm 2023, giá căn hộ chung cư tại khu trung tâm TPHCM dao động từ 80-200 triệu đồng/m2. Giá bán căn hộ ở vùng ven dao động từ 30-60 triệu/m2. 

Tương tự căn hộ cao cấp, giá bán đất nền tại TPHCM cũng tăng “chóng mặt”, từ mức 50-150 triệu đồng/m2 vào năm 2015, đến năm 2023 đã lên 100-300 triệu đồng/m2.

Đối với loại hình nhà phố, mức tăng giá trong giai đoạn 2015-2023 thấp hơn loại hình căn hộ chung cư, cụ thể từ 10-15%/năm.  

Ông Huỳnh Thanh Khiết đánh giá, những năm qua, nguồn cung nhà ở tại TPHCM vẫn khan hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hiện nay, mỗi năm có thêm 200.000 người có nhu cầu mua nhà ở. Trong khi đó, giá nhà liên tục tăng, tập trung ở phân khúc trung và cao cấp. Điều này dẫn đến người thu thập thấp, công nhân ngày càng khó tiếp cận nhà ở.