Sau một thời gian ổn định quanh mốc 55.000-60.000 đồng/kg, từ đầu tháng 11 đến nay, giá lợn hơi xuất chuồng lại có chiều hướng tăng phi mã.
Cụ thể, sáng 8/11, Công ty CP Chăn nuôi CP chi nhánh miền Bắc tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lợn hơi lên mức 66.000 đồng/kg tại một số tỉnh như Hòa Bình, Bắc Giang. Trong khi, nếu thương lái bắt lợn qua đơn vị thu mua khác thì giá lên tới 69.000-70.000 đồngkg.
Tương tự, Tập đoàn Dabaco Việt hiện cũng tăng giá lợn hơi xuất chuồng lên mức 66.000-67.000 đồng/kg tùy khu vực. Đáng chú ý, dù giá lợn tăng cao, song tập đoàn này vẫn phải bán cầm chừng, ưu tiên khách cũ. Bởi, lượng lợn hơi xuất chuồng chỉ có giới hạn.
Trong khi đó, tại nhiều tỉnh thành như Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Bình hay Hà Nội, thương lái phải lùng mua lợn hơi với giá 70.000-72.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 năm qua |
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Trần Quốc Toản - chủ trang trại lợn 2.000 con ở Khoái Châu (Hưng Yên) cho hay, nhà ông vừa xuất bán một lứa lợn 200 con giá 72.000-73.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi 1kg lợn hơi ông lãi khoảng 27.000 đồng.
Thực ra, giá tăng cao nhưng chi phí sản xuất cũng tăng cao. Như hiện nay, thuốc sát trùng phải sử dụng nhiều hơn, lượng vôi bột rắc chuồng trại cũng vậy. Do đó, giá thành sản xuất lợn hơi giờ lên tới 45.000 đồng/kg.
Theo ông Toản, với giá lợn hơi xuất chuồng cao như vậy, mỗi con lợn ông có thể lãi vài triệu đồng. Song, số tiền lãi thu về chưa thể bù lỗ do giá lợn chạm đáy khi dịch bệnh bùng phát.
Thời đỉnh điểm dịch tả lợn châu Phi, lợn xuất chuồng không ai mua, ông đành phải nuôi đến lúc lợn nặng tới 2,5 tạ/con. Sau đó, có người mua nhưng giá lại thấp. Ông xuất bán 500 con mà mỗi con lỗ tới 3 triệu đồng.
Thời gian sau, giá thịt lợn có tăng lên nhưng cũng chỉ hòa gốc. Dịp này bắt đầu có lãi nhưng tính ra vẫn chưa thể bù được khoản lỗ trước đó, ông Toản chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết, giá lợn hơi xuất chuồng tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang tăng mạnh, lên mức 68.000-70.000 đồng/kg. Theo ông, đây là mức giá lợn cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Tại miền Trung, giá lợn hơi xuất chuồng dịp này cũng chung xu hướng tăng mạnh lên mức 65.000-70.000 đồng/kg. Trong khi ở miền Nam, giá lợn đã tăng vọt lên mức 62.000-63.000 đồng/kg.
Giá lợn tăng cao, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cũng cao |
Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) dự báo, giá thịt lợn thời gian tới sẽ tăng do nhu cầu lớn dịp cuối năm. Đặc biệt, do nguồn cung hạn chế, cơ quan này khuyên người dân sử dụng các nguồn thịt khác thay thế, tránh gây sức ép lên nguồn cung thịt lợn khiến giá cả tăng cao hơn.
Riêng việc tái đàn, Bộ NN-PTNT yêu cầu các cơ quan chức năng và người dân theo dõi chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tránh dịch bùng phát trở lại.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội về tình hình dịch tả lợn châu Phi và nguy cơ thiếu thịt lợn vào cuối năm khiến giá thịt lợn tăng cao, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn châu Phi là đại dịch lịch sử, chưa bao giờ chúng ta phải đối mặt với loại dịch tác hại ghê gớm như vậy. Virus dịch tả này xâm nhập đàn lợn, gây tỷ lệ chết 100%, trong khi thế giới chưa sản xuất ra được vắc-xin.
Việt Nam cũng có kịch bản đối phó với dịch từ đầu. Tuy nhiên, ngày 1/2/2019, ổ dịch đầu tiên được phát hiện và trong thời gian ngắn đã lan ra toàn quốc. Đây là điều đáng buồn nhưng chúng ta phải chấp nhận, Bộ trưởng Cường chia sẻ.
Cùng với việc đẩy mạnh kiểm soát dịch bệnh, Bộ cũng đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, thủy sản, đại gia súc để bù đắp vào phần thiếu hụt nguồn cung thịt lợn. Song, theo ông Cường, người Việt đã quen ăn thịt lợn, với những thực phẩm khác cũng phải tuyên truyền chứ không phải một sớm một chiều thay hết được.
Riêng về vấn đề giá thịt lợn cao, Bộ trưởng mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao hơn, đồng thời cũng là dịp chia sẻ với những khó khăn mà người chăn nuôi gánh chịu trước đó.
"Quan điểm của Bộ là làm sao giữ mức giá để người tiêu dùng và người sản xuất cùng chấp nhận được. Đặc biệt, chú ý cân đối để không tái đàn một cách vô lối, vô nguyên tắc để rồi phải chịu rủi ro" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Như Băng