“Choáng” vì bảng giá đất nhảy vọt

Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Bảng giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2024. Theo đó, giá đất nhiều khu vực tăng đột biến, nhiều nơi tăng 300-600% so với mức giá năm 2019.

Chẳng hạn, tại TP. Tây Ninh, khu vực Đại lộ 30/4 đoạn ngã ba Mũi Tàu đến Ngã tư Trường Trần Hưng Đạo từ mức 11,5 triệu đồng/m2 năm 2019 nay vọt lên 30,2 triệu đồng/m2; đường Cách mạng Tháng Tám đoạn Cầu Quan đến đường Hoàng Lê Kha (ngã tư Bọng Dầu) tăng từ 12,6 triệu đồng năm 2019 lên mức 27 triệu đồng mỗi m2. Khu vực đường Hàm Nghi tăng từ 1,8 triệu đồng/m2 năm 2019 lên 11 triệu đồng, tức đội giá lên 6 lần. Tại TX Hòa Thành, đường Hùng Vương đoạn Cua Lý Bơ đến Phạm Văn Đồng (Phạm Ngọc Trấn cũ) từ 9 triệu đồng/m2 (2019) nay tăng gấp hơn 3 lần, lên 32 triệu đồng/m2.

Mức giá xung quanh mốc 30 triệu đồng/m2 được đánh giá là quá cao so với một đô thị loại III như TP. Tây Ninh và đô thị loại IV như TX Hòa Thành, ngang ngửa nhiều khu vực ở đô thị loại I, ví dụ như TP. Biên Hòa, Đồng Nai.

{keywords}
Bảng giá đất ở Tây Ninh tăng đột biến

Lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc lớn chia sẻ: “Bảng giá đất Tây Ninh tăng theo phương thẳng đứng khiến chúng tôi không kịp trở tay, phá vỡ kế hoạch đầu tư ban đầu. Để an toàn, chúng tôi dự tính thu hẹp quy mô, hoặc tính đường lùi không làm tiếp nữa để tìm cơ hội ở tỉnh khác”.

Anh T.A.T, đại diện một doanh nghiệp địa ốc ở TP.Hồ Chí Minh cũng than thở: “Sau khi tính toán kỹ, chúng tôi từ bỏ dự định vào Tây Ninh dù mất nhiều công sức nghiên cứu đầu tư, vì nếu làm BĐS thì chỉ có lỗ. Bảng giá đất cao tác động lớn tới chi phí đầu tư. Muốn có lãi thì phải đẩy giá bán, mà giá BĐS Tây Ninh đã đạt đỉnh, không tăng nổi nữa, có tăng cũng không bán được”.

Theo các chuyên gia, bảng giá đất tăng đột ngột, bất thường, không có lộ trình hợp lý có thể gây tác động ngược, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế địa phương.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, phân tích: Bảng giá đất tăng sẽ dẫn đến tác động dây chuyền, kích hoạt mặt bằng giá đất. Lực lượng cò đất, đầu nậu sẽ lập tức đục nước béo cò, dùng những chiêu thức kích thích đẩy giá lên cao để hưởng lợi. Hơn nữa, bảng giá đất tăng cao còn tác động đến nhà đầu tư, gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Thực tế 2 năm qua, Tây Ninh đã chứng kiến cơn sốt đất chóng mặt. Giá BĐS Tây Ninh cao chót vót, rời xa giá trị thực. Shophouse tại TP. Tây Ninh đang rao bán gần 90 triệu đồng/m2, trong khi một căn shophouse tương tự tại TP. Biên Hòa tỉnh Đồng Nai giá chỉ bằng 2/3. Do đó, việc tăng bảng giá đất sẽ tiếp tục kích thích giá đất sốt ảo, nếu không có giải pháp kìm hãm có thể dẫn tới đóng băng thị trường địa ốc.

Đừng biến giá đất thành rào cản

Dù chỉ cách TP.Hồ Chí Minh khoảng 100 km, có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, tiếp giáp ba tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia, có hai cửa khẩu quốc tế là Mộc Bài và Xa Mát, nằm trên tuyến đường Xuyên Á, song kinh tế Tây Ninh chưa phát triển xứng tầm.

Thời gian qua, Tây Ninh bắt đầu thu hút được các Tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, FLC,... song gần như mới triển khai được hai dự án là tổ hợp thương mại Vincom, khu du lịch Sun World Ba Den Moutain, chưa có dự án nào quy mô trên 10ha. Để tăng tốc phát triển, Tây Ninh cần có cơ chế hấp dẫn, tạo điều kiện để các tập đoàn lớn triển khai được nhiều dự án tầm cỡ, tạo nên các hệ sinh thái du lịch, thương mại bài bản, từ đó sẽ hút nhiều nhà đầu tư khác đổ về. Đồng thời, cần đưa ra các giải pháp hạ cơn sốt đất ảo, đưa BĐS trở về giá trị thực. Bởi, thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững có vai trò thúc đẩy các ngành kinh tế khác ở Tây Ninh bứt tốc.

{keywords}
TP.HCM miễn tiền thuê đất cho Intel Hoa Kỳ để mời bằng được tập đoàn này vào khu công nghệ cao.

Bàn về cách làm sao để thu hút được đầu tư, ông Lê Hoàng Châu nêu ví dụ về cách làm thành công của TP.HCM. “Vừa qua TP.HCM đã miễn tiền thuê đất, áp dụng một số chính sách miễn thuế cho Intel Hoa Kỳ để mời bằng được tập đoàn này vào khu công nghệ cao. TP.HCM đã trải thảm đỏ với tập đoàn này bằng chính sách ưu đãi cao nhất từ xưa tới nay. Khi Intel vào sẽ tạo ra hệ sinh thái, thế giới sẽ thấy Intel lựa chọn TP.Hồ Chí Minh, kéo theo các đối tác của họ, kéo theo “bầy chim đại bàng khác”.

Thực tế, nhiều địa phương thu hút được “sếu đầu đàn” chỉ trong thời gian ngắn đều bởi chủ trương trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, áp dụng những cơ chế chính sách đặc biệt hấp dẫn, trong đó có chính sách về thuế, phí, tiền thuê đất, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình giải phóng mặt bằng, nhanh chóng tạo đất sạch để triển khai dự án,... Những kinh nghiệm đó hoàn toàn có thể áp dụng ở một tỉnh rất cần thu hút đầu tư và sớm triển khai được các dự án lớn như Tây Ninh. 

Rõ ràng những hệ lụy tiêu cực đến môi trường đầu tư của giá đất là không thể phủ nhận.Nếu không kịp thời tìm giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp, đồng thời nghiên cứu đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn thu hút đầu tư, rất có thể chính địa phương sẽ phải chứng kiến làn sóng ra đi của nhiều doanh nghiệp, không loại trừ các “sếu đầu đàn”.

Ông Lê Hoàng Châu: “Các địa phương sẽ không thu hút được nhà đầu tư nếu cứ biến bảng giá đất thành rào cản”.

Gần đây nhất, HĐND tỉnh Nghệ An vừa phải điều chỉnh giảm bảng giá đất khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam giai đoạn 2020-2024 sau khi nhận thấy không phù hợp, cao hơn hai tỉnh liền kề là Thanh Hóa, Hà Tĩnh, làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư vào Nghệ An.

Giá thuê đất khu công nghiệp tăng vọt

Báo cáo mới đây của CBRE Việt Nam cho thấy, giá chào thuê đất công nghiệp đã vọt tăng 20-30% so với quý III/2019. CBRE ghi nhận giá thuê của một số khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương tăng từ 20% đến 30% so với năm trước.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho biết: "Tôi nghe nhiều phản ánh việc giá thuê đất tăng cao, trong đó đang có xu thế giá thuê đất cho công nghiệp tăng lên. Thực ra điều này cũng theo nhu cầu thị trường, nhưng nếu quản lý không tốt sẽ làm kém môi trường đầu tư. Chúng ta đang cần nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia dự án mới, hoặc đầu tư vào khu công nghiệp, nhất là khi Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp".

Muốn ổn định sản xuất, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như khu vực trong nước tốt hơn, mặt bằng giá đất công nghiệp phải khá ổn định. Giá đất công nghiệp phải quản lý rất khác, không quản lý như đất ở được. Nhà nước nên có can thiệp nào đó để bình ổn giá, tất nhiên không phải bằng cách yêu cầu nhà đầu tư bán theo mức giá nào đó, bởi đây là vấn đề mang tính thị trường. Các nhà đầu tư cũng là các doanh nghiệp.

“Chúng ta đang mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài từ Mỹ, EU, phải cải thiện tốt môi trường đầu tư, từ nguồn nhân lực, hạ tầng cho đến giá thuê đất. Những nơi nào tạo ra giá đất ảo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hút đầu tư, vì nhà đầu tư sẽ lựa chọn nơi khác”, ông Nguyễn Văn Toàn cảnh báo.

Theo các chuyên gia, việc bảng giá đất ở các địa phương tăng cao cũng là một trong những lý do đẩy giá đất tăng cao, trong đó có đất dành cho công nghiệp. Điều này khiến các nhà đầu tư phải xem lại kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư của mình vì có thể thua lỗ. Do vậy, việc đưa ra những bảng giá đất như Tây Ninh đang làm cần phải tiến hành thận trọng hơn và tính toán đến tác động đến môi trường đầu tư của địa phương.

H.Duy